Ngày 16/12/2011, ông Lê Hữu Chỉnh - Tổ trưởng tổ bảo vệ Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Thủ Đức, đại diện cho 230 bảo vệ của hệ thống Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tại TP.HCM, gửi đơn kiến nghị đến báo Tin Tức về việc OCB ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ 230 nhân viên bảo vệ trước thời điểm Tết Nguyên đán.
Kiến nghị từ người lao động
Theo đơn kiến nghị, ông Chỉnh cho biết: Ngày 8/12, OCB ra văn bản số 462/2011/TB-PNS&ĐT thông báo sẽ lần lượt chấm dứt hợp đồng lao động đối với tất cả nhân viên bảo vệ trên toàn hệ thống OCB từ ngày 2/1/2012 đến ngày 15/1/2012 mà không họp lấy ý kiến người lao động. Cũng theo ông Chỉnh, phần lớn 230 lao động trong bộ phận bảo vệ được kí hợp đồng không xác định thời hạn làm bảo vệ tại OCB từ nhiều năm qua, công tác tốt và không hề vi phạm kỷ luật gì.
Bên cạnh việc ra thông báo nghỉ việc, OCB cũng ra thông báo số 153/2011/TB-P.GSTD&QLN về việc thu hồi nợ đối với các khoản vay tín chấp của các nhân viên bảo vệ. Theo nội dung thông báo này, tất cả số tiền các bảo vệ nhận được từ việc chấm dứt hợp đồng lao động (bao gồm tiền trợ cấp thất nghiệp và lương tháng 13) sẽ bị OCB trừ vào khoản vay tín chấp, mặc dù hợp đồng vay đến năm 2014 mới đáo hạn.
Cũng theo ông Chỉnh, trong thời gian từ lúc ra thông báo đến thời hạn chấm dứt hợp đồng, OCB vận động các bảo vệ xin nghỉ phép. Trước việc phản đối của các nhân viên bảo vệ và không tự nguyện nghỉ phép, OCB đã ra thông báo điều động nhân sự tạm thời và điều chuyển các bảo vệ từ chi nhánh này sang chi nhánh khác xa hơn để làm khó, khiến các bảo vệ phải tự nguyện xin nghỉ phép. Ông Chỉnh cho biết: “Chúng tôi có hơn 230 con người đang làm việc bình thường, cớ sao lại đuổi chúng tôi? Chưa nói, hồi tháng 5/2011, OCB tăng lương cho nhân viên toàn hệ thống nhưng riêng lực lượng bảo vệ, tạp vụ thì chưa được tăng. Lúc đó, OCB có hứa rằng đang soạn thảo quy chế mới rồi sẽ tăng lương cho chúng tôi. Giờ chẳng những không tăng lương, không được truy lĩnh tiền này mà lại “đẩy chúng tôi ra đường” ngay trước tết là cớ làm sao?” .
Ông Chỉnh còn cho biết: OCB đã có hành vi sai phạm khi tự ý tăng mức lãi suất trong hợp đồng vay tín chấp của ông với ngân hàng. Theo đó, trong Hợp đồng vay vốn kiêm giấy nhận nợ, tại điều 2: Thời hạn cho vay –lãi suất cho vay ghi rõ: (a) Thời hạn vay 60 tháng, mỗi tháng thanh toán nợ gốc một lần, kì nợ gốc thanh toán vào 2014 và (b) lãi suất cho vay: 0.875% tháng suốt thời hạn vay. Thế nhưng trong bảng sao kê hợp đồng mới đây, mục lãi suất lại ghi: 18,4%. “Ngân hàng chỉ đơn phương thông báo tăng lãi suất, mà không có thương lượng mặc dù hợp đồng vay trước đây đã kí kết rõ ràng” – ông Chỉnh nói.
OCB nói gì?
Ngày 20/12/2011, OCB đã có công văn phúc đáp cho báo Tin Tức để nói rõ về việc ngân hàng tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động đối với 230 bảo vệ. Theo đó, OCB cho rằng trong công tác hoạch định chiến lược phát triển, OCB chú trọng vào lĩnh vực kinh doanh chính và chủ trương sẽ sử dụng một số nguồn lực từ bên ngoài (trong đó có lực lượng bảo vệ) nhằm chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ. “Chúng tôi cam kết và khẳng định việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và thỏa ước lao động tập thể của ngân hàng” - đại diện OCB cho biết.
OCB cũng cho rằng: Việc chấm dứt hợp đồng lao động với đội ngũ bảo vệ hiện tại được OCB thực hiện theo đúng luật quy định: Điều 17 Bộ luật Lao động, Điều 11 Nghị định số 39/2003/NĐ – CP của Chính Phủ và Thỏa ước lao động tập thể OCB. Cụ thể, OCB đã thông qua Ban chấp hành Công đoàn ngân hàng, gửi văn bản tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, thông báo trước đến trưởng các đơn vị trong hệ thống và đến tất cả những nhân sự là bảo vệ của ngân hàng. Quyền lợi của các nhân viên bảo vệ được hưởng đầy đủ theo quy định của pháp luật và Thỏa ước lao động tập thể OCB: Lương thưởng tháng thứ 13, trợ cấp mất việc và các quyền lợi khác. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho tất cả nhân viên bảo vệ có việc làm ổn định với các quyền lợi được hưởng theo quy định, OCB đàm phán và đã được công ty dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tiếp nhận 100% lực lượng bảo vệ hiện tại của OCB. Các nhân sự bảo vệ được bảo toàn và lũy kế thời gian làm việc, lương cũng như các chế độ khác nếu làm việc tại công ty bảo vệ do OCB giới thiệu.
Riêng đối với các khoản vay của CBNV trong hệ thống OCB: OCB có chính sách cho vay ưu đãi với lãi suất thấp trong thời gian dài. Theo quy định, khi không còn công tác tại OCB, việc trả nợ sẽ được thực hiện theo thỏa thuận tại: Giấy đề nghị vay vốn, Hợp đồng vay kiêm giấy nhận nợ và Bản cam kết trả nợ. Tuy nhiên, đối với các khoản vay của CBNV là bảo vệ, khi triển khai việc thu nợ OCB đã có những hỗ trợ, cụ thể: Đối với nhân viên bảo vệ có vay tín chấp tại OCB và đồng ý ký HĐLĐ với công ty bảo vệ mới (OCB giới thiệu): OCB vẫn tiếp tục duy trì khoản cho vay và thực hiện việc trích lương trả nợ cho khoản vay như bình thường. Đối với nhân viên bảo vệ không ký hợp đồng lao động với công ty bảo vệ mới sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên và phù hợp quy định của pháp luật.
OCB cũng cho rằng trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp chưa giải quyết việc thanh toán khoản nợ vay với OCB, OCB vẫn thanh toán đầy đủ khoản tiền thưởng lương tháng thứ 13 cho tất cả nhân viên bảo vệ. OCB cũng khẳng định: Không có chuyện OCB cho nghỉ việc trước tết để “trốn” trả thưởng, không có chuyện phong tỏa tài khoản ATM của nhân viên bảo vệ, không có việc vận động các bảo vệ làm đơn xin nghỉ việc. Toàn bộ quyền lợi của nhân viên bảo vệ theo quy định của pháp luật, theo Thỏa ước lao động tập thể, lương thưởng tháng thứ 13 và các quyền lợi khác được OCB đảm bảo cho tất cả nhân viên bảo vệ.
Đoàn Minh Thuyết