Tòa đã tuyên phạt bị cáo Đặng Ngọc Long (sinh năm 1976, trú phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) 8 năm tù về tội “Giết người” và 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Long là 13 năm tù. Các bị cáo: Bùi Xuân Đại (sinh năm 19, trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị phạt 15 tháng tù; Đỗ Danh Đường (sinh năm 1995, ở xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội) bị phạt 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1994, trú xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Liên quan tới vụ án, Bành Thế Bảo (sinh năm 1994), Lê Thanh Cường (sinh năm 1984) cùng trú tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cũng bị đưa ra xét xử về tội "Cố ý gây thương tích". Tuy nhiên tại phiên tòa, bị hại Bùi Xuân Đại, đồng thời cũng là bị cáo trong vụ án đã rút đơn đề nghị xử lý bằng hình sự đối với hai bị cáo trên và đại diện Viện Kiểm sát đã rút quyết định truy tố. Hội đồng xét xử xét thấy, việc này không trái pháp luật, đạo đức, không bị ép buộc hay lừa dối nên có cơ sở để chấp nhận và quyết định đình chỉ xét xử đối với hai bị cáo Bảo và Cường.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, tháng 8/2020, anh Nguyễn Văn Nam (nhân viên Công ty Đại Phong) thuê Lê Thanh Cường, Bành Thế Bảo, Đỗ Danh Thịnh và Đỗ Danh Đường chở phế thải tại công trình xây dựng dự án ở số 35 Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) đi đổ. Sau khi vận chuyển được 5 chuyến phế thải, Cường bị anh Nam dừng hợp đồng do không đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, anh Nam chưa thanh toán hết tiền công cho Cường. Sau đó, anh Nam thuê Bùi Xuân Đại và Nguyễn Văn Vũ tới dọn dẹp chở phế thải tại công trình nêu trên.
Bị anh Nam hủy hợp đồng và thuê nhóm người khác làm việc, tối 21/9/2020, Cường gọi điện cho Bảo, Thịnh, Đường cùng hai người khác (không xác định được nhân thân) đến công trình gặp anh Nam nói chuyện, đòi tiền công… Quá trình nói chuyện, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Đường đã đạp vào người khiến anh Nam sợ hãi bỏ chạy về nhà trọ.
Chưa dừng lại, Cường, Bảo, Thịnh và Đường tiếp tục kéo nhau ra cổng công trình, chặn không cho xe vận chuyển phế thải ra ngoài. Vũ đã gọi điện báo tin cho Đại sự việc trên. Đại sợ nhóm Cường đánh nên gọi điện cho em trai là Đặng Ngọc Long (cùng mẹ khác cha) đến công trình hỗ trợ. Ngay sau đó, hai bên xảy ra xô xát, đánh nhau. Cường chạy về phía ô tô lấy thanh kim loại đập vào đầu Đại, rồi bỏ chạy. Bảo cũng nhặt được 1 đoạn gậy sắt dưới đường, đập vào lưng và vai của Đại.
Cùng thời điểm này, Đặng Ngọc Long đi ô tô đến. Thấy anh trai bị đánh, Long xuống xe cầm dao và cùng một thanh niên trong nhóm xông đến chém vào mặt và tay Bảo. Tiếp đó, Long đuổi theo chém Cường vào tay, chân và chém Thịnh vào vùng bụng, khuỷu tay, trán. Long chỉ dừng tay khi thấy mọi người bỏ chạy. Sau đó, Long đưa Đại đi cấp cứu. Bảo, Thịnh, Cường cũng được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Theo kết luận giám định, do được đưa đi cấp cứu kịp thời nên Bảo không tử vong, bị tổn hại 56% sức khỏe. Tương tự, Cường bị tổn hại 31% sức khỏe, Thịnh và Đại cùng bị tổn hại 4% sức khỏe.
Tại phiên tòa, Đặng Ngọc Long khai không cố ý tước đoạt mạng sống người khác. Trong lúc xô xát, Long nhặt được con dao rồi dùng nó khua khoắng nhằm giải tán đám đông đang đánh anh trai. Tuy nhiên, tòa xác định, cáo trạng truy tố bị cáo Long về các tội "Giết người" và "Cố ý gây thương tích" là đúng người, đúng tội. Song, bị cáo Long được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là phạm tội chưa đạt.