Theo ông Thanh, các địa phương đặt mục tiêu đến hết năm 2017 vận động 100% cơ sở nuôi tôm trên địa bàn 4 tỉnh cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ. 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trên địa bàn các tỉnh không đưa tạp chất vào tôm, không thu mua tôm có tạp chất.
Lực lượng chức năng bắt quả tang và lấy mẫu kiểm tra xác định tôm có chứa tạp chất tại Bạc Liêu ngày 28/4.
|
Đến hết năm 2018, tình trạng đưa tạp chất vào tôm cơ bản chấm dứt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của 4 tỉnh thực hiện tốt công tác phối hợp giữa trong quản lý, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất...
Để đạt mục tiêu trên, các tỉnh chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về chống đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn giáp ranh. Tại các địa bàn giáp ranh, nếu phát hiện hành vi vận chuyển, mua bán sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh nào, lực lượng chức năng địa phương chủ động phối hợp với tỉnh giáp ranh tổ chức kiểm tra, ngăn chặn. Các tỉnh chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nghiệp vụ ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu…
Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Hà Văn Buôl cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về việc kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất, ngành đã quyết liệt đẩy mạnh công tác kiểm soát, ngăn chặn tình trạng kinh doanh bất chính trên. Ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chính quyền cơ sở cần tăng cường trách nhiệm, ngăn chặn triệt để hành vi mua bán, kinh doanh gian lận này. Các cơ quan chức năng cần có chế tài phạt nặng hơn, thậm chí đóng cửa cơ sở vi phạm.
Theo nhận định chung của các tỉnh, tình hình đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi hơn. Do địa bàn rộng, các cơ sở hoạt động khắp nơi, nhiều cơ sở nằm ở vùng sâu, vùng xa gây khó khăn trong công tác kiểm tra, trong khi đó lực lượng chuyên ngành làm công tác này còn hạn chế. Lâu nay, việc đấu tranh với hành vi kinh doanh này còn đơn lẻ, không có sự phối hợp giữa các tỉnh, mỗi nơi làm một kiểu nên khi ở địa phương này phát hiện, đối tượng tuồn hàng sang địa bàn khác tẩu tán, gây nhiều khó khăn trong công tác xử lý.
Tại tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2015 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 120 đợt kiểm tra, phát hiện hơn 55 trường hợp vi phạm với gần 8,5 tấn tôm có chứa tạp chất; xử phạt các trường hợp vi phạm với số tiền gần 3 tỷ đồng.