Phòng cháy chữa cháy: Cần nâng cao ý thức cộng đồng

Thời gian gần đây, tình trạng cháy, nổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại có chiều hướng gia tăng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức bất cẩn, chủ quan, lơ là của người dân và các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

 

Nguy cơ cao


Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC, từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 95 vụ cháy, làm bị thương 10 người và bị chết 8 người, thiệt hại ước tính trên 4 tỷ đồng. Trong đó, hơn 50% các vụ cháy ở khu vực dân cư. Cụ thể, ngày 3/10 vừa qua, đã xảy vụ cháy chung cư 25 tầng (đường Cao Đạt, phường 1, quận 5), tuy không có thiệt hại về người song đây là sự cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại các chung cư cao tầng.


 

Diễn tập phòng tránh cháy nổ (ảnh chụp tại Nhà máy sữa Công ty FrieslandCampina Việt Nam tại Hà Nam).

 

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện nguy cơ cháy, nổ cao nhưng công tác PCCC, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống thoát nạn, đường giao thông nội bộ PCCC trong chung cư, giữa các gian hàng… chưa được chú ý. Nếu nơi nào không chấp hành các quy định về PCCC thì nguy cơ cháy rất cao. Riêng các nhà cao tầng, các chợ, trung tâm thương mại thì cần đặc biệt chú ý đến khu vực để xe. Nếu chỗ để xe quá chật chội, lấn chiếm cả các lối thoát hiểm thì khả năng xảy ra cháy nổ cao và việc khắc phục các sự cố cháy nổ cũng rất khó khăn”.


Hiện, toàn TP có hơn 1.080 nhà cao từ 5 tầng trở lên, bao gồm hơn 335 tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên. Qua những lần kiểm tra, công trình nào cũng có vi phạm về an toàn PCCC với những lỗi vi phạm: không thiết kế, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động như quy định; không có bể dự trữ nước cho chữa cháy, hoặc có nhưng chung với bể nước sinh hoạt và không đủ dung tích dự trữ như quy định; không trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, cứu hộ cần thiết; chỉ có một buồng thang máy thoát nạn nhưng không bảo đảm yêu cầu chống cháy, chống khói...


Vụ cháy chung cư Phúc Thịnh vừa qua cũng cho thấy, còn rất nhiều lỗ hổng trong công tác đảm bảo an toàn cháy nổ tại khu dân cư. Theo đó, nơi xuất phát cháy của chung cư này là từ các hộp kỹ thuật điện tại tầng 4, khu C. Cụ thể, do các đường ống trong hộp kỹ thuật điện tại các vị trí tiếp giáp sàn không được bít kín bằng vữa chống cháy, đường ống xả rác cũng không lắp đặt van ngăn lửa tự động để ngăn cháy lan theo đường ống cho nên mới xảy ra cháy từ tầng 4 lên tầng 10. Mặc dù điều này đã được Sở Cảnh sát PCCC kiến nghị khắc phục từ năm 2007 nhưng tới khi xảy ra sự cố vẫn chưa thực hiện. Ngoài ra, người dân sống trong chung cư chưa nắm được các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn nên khi sự cố xảy ra người dân vô cùng hoảng loạn và mất phương hướng. Mặt khác, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố ở chung cư đã lâu không được kiểm tra, bảo trì nên không còn tác dụng. Vì thế, khi mất điện mọi lối ra đều tối đen khiến người dân không xác định được lối thoát nạn.

 

Tăng cường công tác kiểm tra


Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ hiện nay chủ yếu là do sự cố về điện (chiếm gần 70%), các vụ cháy do điện luôn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hỏa hoạn không chỉ xảy ra trong mùa khô nắng nóng mà còn xảy ra nhiều vào mùa mưa vì mùa mưa độ ẩm không khí cao, các đường dây điện, trụ điện cũng ẩm ướt… dễ phóng điện gây cháy. Vì vậy, người dân, các cơ quan, xí nghiệp, quản lý… phải hết sức đề phòng cảnh giác.


Có thể nói, chung cư cao tầng có mật độ tập trung người cao và khi cháy, nổ không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, nguy cơ cháy không chỉ tiềm ẩn tại các chung cư cao tầng mà còn tiềm ẩn tại các khu chợ truyền thống, các khu vui chơi giải trí, nhất là vào dịp cuối năm do hàng hóa về nhiều và nhiều người dân lại thắp hương vào các ngày tuần… Do đó, để đảm bảo an toàn và giảm thiểu cháy nổ, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Cảnh sát PCCC TP phải xây dựng hoàn chỉnh phương án chữa cháy đối với các cơ sở làm việc, kho tàng, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, đặc biệt là các chung cư cao tầng.


Thiếu tướng Trần Triều Dương cho rằng, để hạn chế tình trạng cháy nổ, trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể công tác PCCC tại các khu dân cư, đặc biệt là các khu dân cư có nguy cơ cháy cao. Trong đó, chú ý kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ xen lẫn khu dân cư. Ngoài ra, phải tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện đặc biệt trong mùa mưa. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC đến tận các hộ dân, các cơ sở kinh doanh sản xuất… để xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC.

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN