Mục tiêu của Chương trình là bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố điều được thụ lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố; tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết đến cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền để xem xét việc khởi tố theo quy định của pháp luật...
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình là tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Cụ thể, gắn kết chặt chẽ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà tội phạm có thể lợi dụng để hoạt động.
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về công tác phòng, chống tội phạm tại cộng đồng dân cư; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm về an ninh, trật tự ở cơ sở, như: "tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải", "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"...; giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh thành vụ việc phức tạp, "điểm nóng" về an ninh, trật tự; có biện pháp bảo vệ người tố cáo, kịp thời động viên, khen thưởng người có thành tích trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ của các cơ quan chức năng; thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn sơ sở, nhất là đối tượng bị kết án đang ở ngoài xã hội, đối tượng được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người nghiện ma túy... Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm tội.
Phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội
Nhiệm vụ, giải pháp khác là thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Cụ thể, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; việc áp dụng các biện pháp bắt người, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp điều tra khác; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra; không "hành chính hóa" hành vi phạm tội hình sự.
Thường xuyên rà soát, xác minh các vụ án tạm đình chỉ điều tra, vụ việc tạm đình chỉ giải quyết để xác định căn cứ phục hồi điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; quan tâm thực hiện công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý điều tra viên, cán bộ điều tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Chủ động nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, nhất là công tác giám định tư pháp; nâng cao tính chủ động của các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện thẩm quyền tố tụng do luật định; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và viện kiểm sát, tòa án trong điều tra, xử lý tội phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; tạo điều kiện thuận lợi cho người giám hộ, người bào chữa, trợ giúp pháp lý tham gia hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường kéo dài nhiều năm; kịp thời giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm của người gây oan, sai theo quy định của pháp luật.