Kháng cáo kêu oan, bị cáo Nguyễn Đức Chung vẫn khẳng định việc mua chế phẩm Redoxy-3C là đúng quy trình, đồng thời đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét về số tiền 10 tỷ đồng người thân trong gia đình ông nộp để khắc phục hậu quả.
Tại tòa, Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn thông báo, bà Nguyễn Thị Vân (chị gái ông Chung) được triệu tập đến Tòa nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Hội đồng xét xử đã công bố nội dung đơn của bà Vân gửi đến tòa phúc thẩm.
Trong đơn, bà Vân trình bày, quá trình xét xử sơ thẩm, bà thấy em trai mình bị truy tố ở khung hình phạt cao nên rất thương xót. Bà tìm hiểu và được biết, nếu gia đình khắc phục hậu quả thì ông Chung có thể được giảm nhẹ mức án. Bà Vân cho biết, bà đã vay mượn bạn bè, người quen để nộp 10 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án và đã nhờ luật sư chuyển biên lai nộp tiền cho tòa sơ thẩm để xem xét trước khi tuyên án. Việc nộp tiền này, bà không bàn bạc với ông Chung vì ông đang bị tạm giam.
Trước nội dung này, bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị các cơ quan tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định thiệt hại của vụ án. Bị cáo Nguyễn Đức Chung không chấp nhận giá trị thiệt hại của vụ án đang xác định là 36 tỷ đồng, trong đó, bị cáo Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng. Bị cáo cho rằng, thiệt hại của vụ án phải do cơ quan giám định xác định. Tuy nhiên, ở giai đoạn sơ thẩm, tòa án đã không trưng cầu giám định mà lại tự kết luận về con số thiệt hại. Theo ông Chung, nếu tòa vẫn tuyên ông phạm tội, ông chấp hành nhưng không chấp nhận giá trị thiệt hại như tòa sơ thẩm đã tuyên.
Chủ tọa Nguyễn Văn Sơn viện dẫn các quy định của pháp luật và khẳng định, vụ án này không thuộc trường hợp phải trưng cầu giám định thiệt hại nên xác định của tòa án cấp sơ thẩm là hoàn toàn hợp lý.
Trước đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng, bị cáo Võ Tiến Hùng bồi thường 4 tỷ đồng và bị cáo Nguyễn Trường Giang bồi thường hơn 7 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch Hà Nội phủ nhận Công ty Arktic là công ty gia đình
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) cho biết sau bản án sơ thẩm, bị cáo đã tác động tới gia đình, khắc phục được 1,1 tỷ đồng. Bị cáo Giang bổ sung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử gỡ bỏ lệnh kê biên đối với căn hộ của gia đình bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Giang khẳng định không có quan hệ họ hàng đối với gia đình ông Nguyễn Đức Chung. Bị cáo quen biết gia đình ông Chung từ năm 2014–2015 khi cung cấp hàng hóa cho Siêu thị Minh Hoa của vợ bị cáo Chung. Đến năm 2016, bị cáo mới được gặp trực tiếp cựu Chủ tịch Hà Nội.
Nguyễn Trường Giang khai nhận mình có tham gia Đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đi sang Đức, Pháp, Hà Lan bởi ông Chung nhờ bị cáo hướng dẫn cho đoàn về phương tiện đi lại, phiên dịch cho đoàn trong quá trình đi sang Đức. Tại đây, đoàn làm việc tại Triển lãm về công nghệ môi trường, làm việc với Công ty Watch Water (Đức)... Liên quan đến chính sách bán hàng của Công ty Watch Water, bị cáo Giang thừa nhận là do bị cáo trao đổi với Tổng giám đốc của Watch Water và có nói lại với bị cáo Chung về các chính sách bán hàng.
Theo bản án xác định, Nguyễn Đức Chung khi đó là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức Đoàn tổ chức đoàn thăm quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Chung lại chỉ đạo miệng Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH như chỉ đạo bằng văn bản.
Liên quan đến Công ty Arktic, bị cáo Giang nói rõ: "Ông Chung có nhờ bị cáo thỏa thuận với công ty của Đức. Ngoài chế phẩm Redoxy – 3C, Arktic còn mua nhiều sản phẩm khác của Watch Water". Bị cáo Giang cũng nói thêm rằng ông Chung chỉ đạo bị cáo ký thỏa thuận phân phối độc quyền vào khoảng tháng 7/2016, nhưng bị cáo không nhớ là trao đổi miệng hay trao đổi qua điện thoại.
Cũng tại phần xét hỏi, bị cáo Giang khẳng định: "Với vai trò là Giám đốc Công ty Arktic, bị cáo chỉ nhận lương, không nhận bất cứ khoản tiền nào".
Phản bác những lời khai trên, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho rằng bản thân ông được biết các lần chuyển nhượng của Công ty Arktic chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra, còn lại trước đó ông không biết.
Bị cáo Chung khẳng định không chỉ đạo bị cáo Giang phải mua sản phẩm của Công ty Watch Water (Đức). Theo lời khai của bị cáo Chung, khi ông Chopra (Tổng Giám đốc Công ty Watch Water) sang Việt Nam có đặt vấn đề chuyển giao toàn bộ công nghệ lọc nước, việc liên quan đến Redoxy-3C là do ông Chopra đặt vấn đề với bị cáo. Tuy nhiên, việc này phải hoãn lại vì lý do khách quan. Sau này, bị cáo có giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư Hà Nội làm việc. Ông Chopra chọn lựa giữa 2 hình thức: đầu tư trực tiếp 100%, hoặc liên danh với Nguyễn Trường Giang. Toàn bộ thủ tục mua bán, bị cáo Chung nói "không biết".
Theo giải trình của bị cáo Chung, Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm là dưới hình thức đặt hàng, điều này hoàn toàn đúng theo quy định. Việc tập thể UBND thành phố đồng ý sử dụng chế phẩm này phục vụ cho xử lý nước thải là hoàn toàn đúng thẩm quyền của UBND thành phố.
Liên quan đến Công ty Arktic (đang bị cáo buộc là công ty của gia đình bị cáo Chung), cựu Chủ tịch Hà Nội khẳng định: "Tôi không bao giờ hỏi công việc của vợ. Tháng 7/2016, tôi có rất nhiều công việc, đi công tác nước ngoài, họp hành triền miên, trong khoảng thời gian này, tôi chắc chắn con trai tôi không về nước. Con trai và vợ không hề bàn bạc với tôi về việc thành lập Công ty Arktic".
Cùng với đó, bị cáo Chung cũng nhấn mạnh việc không nhờ ai đứng tên trong Công ty Arktic; chưa bao giờ bàn bạc với Nguyễn Trường Giang về việc chuyển nhượng cổ phần.
Ngày mai (21/6), Tòa sẽ tiến hành phần tranh luận.