Báo cáo tình hình hoạt động của lực lượng trong 8 tháng đầu năm năm 2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ, Tết, kỳ nghỉ dài ngày, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sôi động.
Các vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: Thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm. Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em... ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.
Những tháng đầu năm, tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: Nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh... thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển, hiện nay được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán, nên khó phát hiện.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, thời gian qua, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực thương mại điện tử, đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hoá và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hóa nhanh, nên số lượng, chủng loại hàng hoá tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước. Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 50.445 vụ, phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng (tăng 20%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng (tăng 6%), trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng (tăng 86%). Đã thu nộp ngân sách Nhà nước 395 tỷ đồng (tăng 11%).
Trong 8 tháng đầu năm lực lượng QLTT đã chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023); một số đơn vị có số vụ chuyển cơ quan điều tra nhiều như: Hà Nội (39 vụ), TP Hồ Chí Minh (8 vụ), An Giang (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Vĩnh Phúc (5 vụ), Quảng Ninh (5 vụ)...
Đánh giá cao những kết quả mà lực lượng QLTT đạt được trong 8 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong 8 tháng qua, toàn lực lượng đã chú trọng triển khai nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện khá nghiêm túc cá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến hoạt động của ngành.
Đặc biệt, Bộ trưởng ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã triển khai nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành có trọng tâm trọng điểm, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm nhất là trong các đợt cao điểm Tết và các ngày lễ lớn trong năm...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng lực lượng QLTT vẫn còn những vấn đề tồn tại cần tiếp tục khắc phục, như: Hiệu quả công tác QLTT, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống; tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng vẫn còn phổ biến; số vụ xử lý đã tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với quy mô của thương mại điện tử nước ta hiện nay.
Ngoài ra, với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 9 địa phương (56/63 địa phương), một số Cục chưa thực sự làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vẫn còn công chức vi phạm kỷ luật hành chính và vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với tốc độ phát triển mạnh của thương mại điện tử (TMĐT), nhất là TMĐT xuyên biên giới sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức cho công tác QLTT. Do vậy, những tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tại các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo, điều hành và khuyến nghị của các bộ, ngành hữu quan để triển khai thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Cùng với đó, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm trọng điểm, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tuyến, địa bàn nhất là dịp Cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025.
Bộ trưởng đề nghị các cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo 9 các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời phối hợp trong công tác quản lý cán bộ, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ, qua đó, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.