Quan xã Cửa Cạn bao che cho kẻ phá rừng Phú Quốc?

Hàng chục ha rừng ở khu vực Cửa Cạn, phía bắc đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được “phù phép” thành đất nông nghiệp, đất xây dựng điểm du lịch hay chuyển đổi mục đích sử dụng khác từ đầu năm 2011, phục vụ lợi ích cho một số cá nhân có sự “choàng tay” của quan xã đến nay vẫn chưa bị xử lý như đang thách thức dư luận. Người dân huyện đảo Phú Quốc nói chung và xã Cửa Cạn nói riêng vô cùng bất bình và liên tục lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đó của một số đối tượng, nhưng “công bằng xã hội” không được thực thi, màu xanh cây rừng chưa được trả lại cho hòn đảo ngọc này.


 

Một người dân xã Cửa Cạn chỉ vào diện tích đất 48.000 m2 thuộc đất rừng bị tàn phá đã được cấp sổ đỏ, sang bán 3,9 tỷ đồng.

 

Ông Đặng Văn Tuân ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) đã dày công theo dõi cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương biết rõ từng chi tiết 9 vụ phá rừng nghiêm trọng ở xã Cửa Cạn từ đầu năm 2011 đến nay mà ông ghi nhận được. Điển hình như vụ phá rừng vào tháng 2/2011. Ông Trần Thông là em rể ông Nhan Văn Truyền, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, sử dụng phương tiện cơ giới của ông Truyền ngang nhiên bao chiếm, phá rừng quốc gia tại ấp 2 (Cửa Cạn) khoảng 10.000 m² trước sự chứng kiến của cán bộ kiểm lâm, nhưng chẳng có động thái gì ngăn cản, bảo vệ rừng. Hành vi bao chiếm, phá rừng đó chỉ dừng lại khi có sự phản đối quyết liệt của ông Nguyễn Văn Tươi ngụ tại địa chỉ trên nên rừng mới không tiếp tục bị tàn phá. Vụ thứ hai, ông Trần Thông sử dụng phương tiện cơ giới của ông Truyền đưa vào ấp 4, đầu núi Cửa Cạn phá rừng và chở hàng trăm ngàn m³ đất khai thác trái phép trên đất rừng chuyển ra san lấp mặt bằng diện tích 10.000 m² tại cầu Cây Tróc, xã Cửa Cạn thuộc rừng ngập mặn. Sau đó, ông Thông đứng tên thửa đất này trên sơ đồ và hiện nay đã san bán cho một người tên Vân ở Hà Nội thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng… Trên đây là một trong nhiều vụ phá rừng mà hầu hết người dân ở xã Cửa Cạn khẳng định có sự bao che của chính quyền địa phương vì theo họ, không một người dân nào có thể ngang nhiên hủy hoại tài nguyên rừng như vậy giữa “thanh thiên bạch nhật”.


Trao đổi với báo chí, ông Đặng Văn Tuân cho biết thêm: “Một lô đất ven đường diện tích khoảng 4.000 m2 ở ấp 3 (Cửa Cạn) trị giá gần hai tỷ đồng nguồn gốc là đất rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc bị chặt phá, san lấp… để bán mà chủ nhân của nó là “người thân” của chủ tịch UBND xã Cửa Cạn”. Trong một vụ phá rừng khác, ông Tuân kể lại rằng: “Vào ngày 26/11/2011, tôi đã chụp hình hiện trường khu rừng tại ấp 3 (Cửa Cạn) khi máy múc đất, máy cưa của ông Truyền ngang nhiên múc đất, cưa cây rừng trông thật xót xa. Cây rừng cưa hạ xuống chuyển đến trại cưa của Công ty TNHH một thành viên tại ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn. Thấy có nhiều người ghi lại hình ảnh xe đang vận chuyển cây rừng, ông Truyền “gọi” xe kiểm lâm đến chở cây đến trạm kiểm lâm… để “hợp thức hóa” số cây gỗ bị đốn hạ, nhằm qua mắt mọi người. Vụ việc sau đó rơi vào “im lặng”, không được xử lý và khu đất rừng vẫn bị phá, san lấp, trồng cây…”.


Khi nhiều vụ phá rừng bị phát hiện, người dân đã tố cáo đến ngành chức năng huyện Phú Quốc để điều tra, xử lý nhưng sự việc cứ mãi “đóng băng” và “im lặng” đến mức khó hiểu. Từ đầu năm đến nay, huyện Phú Quốc đã xử lý 8 vụ phá rừng, nhưng chủ yếu là người dân, không có ai là cán bộ và người thân của cán bộ liên quan đến phá rừng bị đưa ra xử lý. Ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm vi phạm phá rừng, hủy hoại tài nguyên rừng đến nơi đến chốn, dù đó là dân hay cán bộ. Ông Sa cho biết đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an vào cuộc để điều tra làm rõ những nội dung tố cáo của người dân về các sai phạm đất lâm nghiệp tại xã Cửa Cạn.


Theo Hạt kiểm lâm Phú Quốc, đảo Phú Quốc có diện tích rừng .296 ha, giao cho 3 lực lượng quản lý, gồm: Vườn Quốc gia Phú Quốc hơn 31.000 ha, Ban quản lý rừng phòng hộ 874 ha và còn lại là kiểm lâm huyện. Việc lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến phức tạp trong những năm gần đây khi Phú Quốc xuất hiện cơn sốt đất du lịch. Nhiều khu vực rừng bị chặt phá, lấn chiếm để trồng cây, với danh nghĩa phát triển du lịch như một sự phù phép, biến tướng đất lâm nghiệp cần được ngăn chặn và xử lý triệt để. Có như vậy, rừng trên đảo Phú Quốc mới không tiếp tục bị tàn phá.


Bài và ảnh: Lê Huy Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN