Hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. |
Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng Kiểm lâm và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 208 đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét các vụ phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản trái phép. Qua đó, các lực lượng phát hiện 242 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 306 m3 gỗ các loại cùng nhiều tang vật khác; trong đó, nổi bật là các vụ: Vụ chặt hạ 33 cây gỗ lim xanh, với khối lượng hơn 223 m3 tại rừng phòng hộ Nam Sông Bung ở xã Chà Val, huyện Nam Giang; vụ phá rừng phòng hộ xảy ra ở các xã Tà Lu và Zà Hung, huyện Đông Giang với tổng lượng gỗ quy tròn khoảng 72 m3. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khởi tố vụ án đối với hai vụ phá rừng nói trên.
Liên quan đến vụ phá rừng ở khu đồi suối Khe Tre, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, ngày 2/4, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng Hà Xuân Minh cho biết: Khu vực rừng bị phá là rừng tự nhiên nghèo do xã quản lý với diện tích là 2,2 ha. Vị trí rừng tự nhiên bị phá nằm giáp ranh với diện tích rừng trồng của người dân. Hiện các cơ quan chức năng địa phương đã hoàn chỉnh hồ sơ và chuyển cho Công an huyện Đại Lộc để mời các đối tượng nghi vấn lên làm việc theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Lê Trí Thanh cho biết: Để xảy ra những vụ phá rừng trong thời gian vừa qua là do ban quản lý rừng chưa phát huy hết trách nhiệm của mình. Các ban quản lý rừng chưa thực hiện tốt việc phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an, nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra thường xuyên, kịp thời phát hiện các vụ phá rừng. Những vụ phá rừng vừa qua bị các cơ quan pháp luật xử lý cơ bản đúng người, đúng tội, tuy nhiên, tính răn đe chưa đạt đến mức cần thiết. Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai đề án giám sát diễn biến rừng bằng công nghệ cao, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, tổ chức lại ban quản lý rừng, thay đổi phương pháp tuần tra, bảo vệ rừng, thay đổi cách thức hợp đồng với các nhóm hộ.
Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước với khoảng 450.000 ha rừng tự nhiên.