Từ tháng 2 đến nay, có hàng trăm người khai thác trái phép quặng Mangan tại nhiều địa điểm thuộc các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh). Số lượng quặng bị mất lên đến hàng chục ngàn tấn, môi trường vùng mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng chính quyền ở các nơi có mỏ cũng như các cơ quan chức năng vẫn làm ngơ...
Tổng Giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết, tại huyện Can Lộc, quặng tặc hoạt động tại các xã Phú Lộc, Thượng Lộc, Nhân Lộc. Tại 3 xã này các điểm quặng nằm rải rác trong vườn, đồi của nhiều hộ gia đình, ngoài khu vực đã được cấp phép quản lý, khai thác của Công ty cổ phần Mangan. Nhiều người dân trong các xã khai thác, thu gom thủ công rồi bán cho các đầu nậu vận chuyển ra thành phố Vinh (Nghệ An). Tại xã Đồng Lộc, quặng tặc dùng máy xúc đào, huy động nhiều ô tô để khai thác, vận chuyển quặng. Có đêm có hàng chục xe chở quặng đến nơi tập kết của các đầu nậu.
Lực lượng Cảnh sát môi trường và Công an thị xã Hồng Lĩnh đã bắt quả tang nhiều xe ô tô chở quặng, xử phạt hành chính nhưng rồi đâu lại vào đấy, quặng tặc tiếp tục hoành hành. Điểm khai thác trái phép mỏ Đồng Kèn trên địa bàn xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà kéo dài hơn 100 m, rộng gần 50 m, triền đồi bị đào sâu khoảng 2,5 m. Ở đây còn sót lại nhiều cục quặng Mangan to bằng cái chum. Vùng mỏ bị đào xới tan hoang giống như một nơi bị ném bom trong thời chiến tranh. Để vào được tới mỏ, quặng tặc tự làm một đoạn đường dài khoảng 1,5 km từ xã Thịnh Lộc vào đến điểm khai thác. Trưởng Phòng mỏ thuộc Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh Nguyễn Tuyên cho biết: Các đầu nậu đưa máy xúc đào, ô tô trọng tải lớn vào khai thác tại 4 địa điểm. Số lượng quặng đã bị khai thác trái phép ở đây khoảng 20.000 m3 quặng nguyên khai.
Theo báo cáo của Công an huyện Lộc Hà, tại xã Tân Lộc và ven đường 58 thuộc xã Thịnh Lộc, một số đầu nậu tại địa phương móc nối với đối tượng bên ngoài tổ chức khai thác, vận chuyển với qui mô lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi để đánh lạc hướng các cơ quan chức năng. Bọn chúng lợi dụng địa bàn đồi núi xa dân cư, hoạt động vào ban đêm, các ngày nghỉ cuối tuần, cử người canh gác các ngả đường để giám sát lực lượng tuần tra nên rất khó cho công tác phát hiện, tổ chức bắt giữ. Khi phát hiện lực lượng công an, các đối tượng chống đối quyết liệt (lao thẳng xe vào công an, tìm cách đổ quặng rồi điều khiển xe bỏ chạy). Phó trưởng Công an huyện Lộc Hà, Phan Xuân Phương đã bị quặng tặc lao xe máy vào người. Công an Lộc Hà phối hợp với Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh đã đào cắt đường vận chuyển, nhưng quặng tặc đắp lại đường, tiếp tục vận chuyển Mangan ra thành phố Vinh.
Các khu vực có quặng Mangan bị khai thác trái phép hiện chưa được cấp cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác. Theo Luật Khoáng sản, các mỏ do chính quyền sở tại quản lý, bảo vệ; tuy nhiên chính quyền địa phương lại làm ngơ, còn cấp huyện lại chưa vào cuộc một cách quyết liệt, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên tình hình khai thác trái phép chưa thể chấm dứt được.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh Dương Tất Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Hoàng Việt Thành, Trưởng công an các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc nêu ý kiến: Muốn bảo vệ mỏ thì mỏ trước hết phải có chủ, đó là các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Trong khi chưa cấp phép khai thác mỏ thì chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Đối với mỏ Đồng Kèn, cần phải đào phá đường vận chuyển của quặng tặc. Từ Hà Tĩnh, các đầu nậu thường vận chuyển quặng qua cầu Bến Thủy, vì vậy phải lập ngay chốt kiểm tra tại phía nam cầu với sự tham gia của lực lượng công an, cảnh sát môi trường, Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh. Theo điều tra sơ bộ, trong 2 tháng đầu năm 2011, mỗi ngày Công ty cổ phần Mangan chế biến hơn 60 tấn quặng nguyên liệu thì quặng tặc khai thác, đưa ra khỏi tỉnh gấp đôi con số đó, khoảng hơn 120 tấn.
Chính quyền vùng mỏ Mangan phải có ngay biện pháp hiệu quả để giữ lấy nguồn tài nguyên khoáng sản quí giá.
Lê Văn Thơn