Theo rà soát của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 9 công ty (đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư) với các ngành nghề kinh doanh: “Hoạt động cấp tín dụng khác”, “hoạt động trung gian tiền tệ khác”, chủ yếu ở thành phố Kon Tum (5 công ty); có 13 nhóm, với khoảng 30 đối tượng nghi vấn cho vay nặng lãi dưới hình thức dán tờ rơi quảng cáo. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các nhóm đối tượng này rất tinh vi như cho vay tiền dưới hình thức cho thuê tài sản (ô tô, xe máy…), cho vay dưới hình thức tín chấp tiêu dùng...
Theo đó, tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, nhất là lực lượng Công an tăng cường đấu tranh, kiên quyết xóa bỏ các nhóm đối tượng có hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo…
Lực lượng Công an các cấp tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, rà soát lên danh sách và lập hồ sơ quản lý đối tượng, băng nhóm tội phạm có tổ chức, biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, băng nhóm tội phạm lợi dụng hoạt động cho vay nặng lãi để hoạt động phạm tội, băng nhóm hoạt động đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản.
Ngoài ra, lực lượng Công an các cấp phối hợp với đơn vị liên quan xác minh, làm rõ vai trò của công ty, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hoạt động cấp tín dụng khác.
Cùng với đó là làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra đối với các hành vi của đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh “tín dụng đen”, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho quần chúng nhân dân phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến tín dụng để mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia tố giác đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Thống kê của Công an tỉnh Kon Tum, từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, lực lượng Công an các cấp đã tiến hành 30 lượt gọi hỏi, răn đe với khoảng 50 đối tượng cho vay nặng lãi. Ngoài ra, Công an tỉnh đã đấu tranh triệt xóa 4 cơ sở có nghi vấn hoạt động cho vay nặng lãi; khởi tố 3 vụ/4 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” với số tiền cho vay hàng tỉ đồng.
Song song với hoạt động đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng, ngành Ngân hàng đóng chân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai nhiều chương trình cho vay, mở rộng hoạt động tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, từ đó không có cơ hội cho “tín dụng đen” hoạt động.
Một số ngân hàng đang áp dụng các hình thức mới để có thể tiếp cận và tìm tới khách hàng như triển khai xe ngân hàng lưu động; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại từng thôn làng… Điển hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ; thực hiện vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo; tăng cường cho vay liên kết thông qua tổ vay vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…
Hy vọng với sự quyết liệt của lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum, vấn nạn “tín dụng đen” sẽ được dẹp bỏ, đảm bảo tình hình an ninh trật tự để người dân an tâm phát triển sản xuất, xây dựng đời sống mới.