Trước đó, khoảng 3 giờ ngày 17/3, tại khoảnh 12, tiểu khu 228 thuộc địa bàn xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô phát hiện nhiều "lâm tặc" sử dụng xe máy độ chế vận chuyển gỗ lậu.
Tại thời điểm bị phát hiện, nhóm "lâm tặc" gồm 3 đối tượng đang vận chuyển 3 hộp gỗ bằng xe máy độ chế, khi thấy lực lượng chức năng nhóm đối tượng bỏ xe máy và gỗ trốn vào rừng. Mở rộng kiểm tra khu vực xung quanh, lực lượng chuyên trách phát hiện thêm 2 xe máy độ chế và 4 hộp gỗ "lâm tặc" cất giấu trong khu vực rừng trồng ở khoảnh 8, tiểu khu 228. Tổng cộng có 5 xe máy độ chế với 7 hộp gỗ Re thuộc nhóm 6, khối lượng gỗ quy tròn trên 2,3m3 bị thu giữ.
Đây là lần thứ ba trong vòng 2 tuần qua, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô phát hiện “lâm tặc” khai thác và vận chuyển gỗ trong lâm phần mình quản lý. Điểm chung của 3 vụ việc là "lâm tặc" dùng xe máy độ chế, đi nhiều xe để vào khai thác, vận chuyển.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Trong ba vụ việc trên có 13 đối tượng, tang vật thu giữ gồm 28 xe máy độ chế, trên 40m3 gỗ quy tròn. Ông Chung nhận định nhóm "lâm tặc" này hoạt động có tổ chức, có đầu nậu đứng sau để cung cấp tiền, xe, cung cấp lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, thủ đoạn và phương thức hoạt động tinh vi, có phân công nhiệm vụ từng thành viên, từ người vận chuyển, đối tượng chuyên cắt hạ, xẻ cây… Khi gỗ vận chuyển trong rừng ra, có chỗ tập kết của đầu nậu.
Theo ông Nguyễn Thành Chung, diện tích rừng công ty quản lý lớn, có nhiều đường ngang, lối mở ra vào, rất thuận lợi cho "lâm tặc" vào khai thác và vận chuyển gỗ. Công ty đã phá bỏ các đường mòn, lối mở được nhận định để vận chuyển gỗ nhưng "lâm tặc" dùng xe máy nên rất dễ ra, vào. Lực lượng bảo vệ rừng đã nằm vùng, mật phục để ngăn chặn và bắt giữ "lâm tặc" tuy nhiên để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng.