Rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi bị xâm hại nghiêm trọng

Huyện vùng cao Sơn Tây được biết đến là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Đây được xem là “điểm nóng” của các vụ phá rừng, trong đó có cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trong khi chính quyền địa phương còn đang lúng túng trong cách xử lý, giải quyết.

Rừng “âm ỉ” chảy máu

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 6 vụ phá rừng phòng hộ với tổng diện tích rừng bị xâm hại gần 16 ha, tập trung chủ yếu tại hai xã Sơn Tinh (gần 10 ha) và Sơn Lập (6 ha).

Có mặt tại xã Sơn Tinh, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là cảnh những thân keo cháy đen, đường kính rộng từ 20 - 40 cm đổ la liệt bởi những vết cưa còn mới trên các tiểu khu 171, 172 được quy hoạch thành rừng phòng hộ từ trước. Đáng chú ý là dù vị trí này nằm ngay đường dân sinh đoạn qua thôn Trà Tân nhưng vẫn không bị phát hiện. Số keo trên là cây trồng phụ trợ được Dự án JIBIC trồng từ năm 2005 và giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham quản lý để tạo bóng mát cho giống chủ đạo là lim xanh, dầu rái. Ngoài hai tiểu khu này, tiểu khu 178 (thôn Bà He) cũng bị xâm hại nghiêm trọng.

Không chỉ rừng phòng hộ bị “xẻ thịt” mà ngay cả rừng tự nhiên cũng bị lâm tặc "hỏi thăm". Cụ thể là 50 m3 gỗ có tuổi thọ lên đến hàng chục, hàng trăm năm tại xã Sơn Long đã bị đốn hạ, khi lực lượng chức năng phát hiện thì nửa số gỗ này đã được “tuồn” ra khỏi rừng trót lọt.

Ông Bùi Văn Ba, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Tinh cho biết, việc quy hoạch rừng phòng hộ tồn tại nhiều điểm bất cập, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến rừng bị xâm phạm. Các khu vực nằm trong bản đồ quy hoạch là không hợp lý, đa phần nằm chồng lên đất sản xuất của người dân khi thống kê có tới 393 ha đất có giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp trên tổng diện tích 1.849 ha rừng phòng hộ.

Cũng theo ông Ba, Dự án JIBIC không thực hiện lời hứa với bà con khi kết thúc thời hạn 5 năm mà vẫn không giao trả lại rừng theo cam kết. Vì thế, khi có kẻ xấu lợi dụng xúi giục, do nhận thức kém nên đồng bào đã đốt rừng để lấy đất canh tác mà họ cho là của tổ tiên để lại chứ không biết làm như thế là vi phạm pháp luật.

Ngăn chặn mang tính tạm thời

Do không có ruộng để canh tác, đất rừng sản xuất của gia đình cũng chỉ bó hẹp ở diện tích nhỏ lẻ trong khi nhân khẩu ngày càng tăng nên để giải quyết cái ăn, người dân nơi đây buộc phải bám rẫy. Khi người dân địa phương tìm cách mở rộng diện tích thì "chạm" phải… rừng phòng hộ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Tinh Bùi Văn Ba bộc bạch: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân nhưng nạn phá rừng vẫn còn nóng. “Để góp phần giảm thiểu tình trạng này, thời gian tới, xã sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề giữa 4 xã giáp ranh là Sơn Tinh, Sơn Màu, Sơn Lập, Sơn Thượng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và tìm hướng giải quyết. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm huyện, chủ rừng làm rõ các đối tượng vi phạm và xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, đề xuất chủ rừng nên nghĩ tới phương án giao hẳn diện tích rừng phòng hộ quy hoạch cho dân quản lý, chăm sóc và hưởng lợi để hiệu quả giữ rừng được cải thiện”, ông Ba nhấn mạnh.

Hiện toàn xã Sơn Tinh có 600 hộ dân, trong đó có 48 hộ tham gia bảo vệ rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây đã phân công lực lượng túc trực thường xuyên, kể cả trong dịp nghỉ lễ; bám sát các địa bàn trọng yếu để ngăn chặn kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Theo ông Đinh Quang Ven, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây, chính sách quản lý, bảo vệ rừng chưa thật sự đồng bộ, giữa các địa phương còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, huyện sẽ xem xét và chấn chỉnh. Đồng thời, huyện cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét giao cho mỗi hộ dân trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ vài hécta để khai thác số keo trồng đã già, có thêm thu nhập vì nếu để lâu cây sẽ chết và mất giá trị. Cùng với đó, phối hợp với chủ rừng thực hiện giải pháp căn cơ là cho đồng bào trồng các loại cây có giá trị như sa nhân, sâm… dưới tán rừng để hưởng lợi theo tỷ lệ ăn chia phù hợp. Từ đó, người dân có ý thức giữ gìn rừng phòng hộ hơn.
Vĩnh Trọng
Kiểm tra 4 cán bộ huyện có dấu hiệu vi phạm trong vụ phá rừng ở Phú Yên
Kiểm tra 4 cán bộ huyện có dấu hiệu vi phạm trong vụ phá rừng ở Phú Yên

Liên quan đến vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 83 và 90 xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, chiều 2/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên công bố quyết định kiểm tra đảng viên đối với 4 cán bộ huyện Đồng Xuân có dấu hiệu vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN