Đầu tháng 4/2011, rừng Yok Đôn liên tiếp bị lâm tặc tấn công. Những cây gỗ giáng hương (nhóm 2a) có đường kính trên dưới 1 m, có giá trị hàng trăm triệu đồng đã bị “xẻ thịt”. Vậy trách nhiệm của chủ rừng đến đâu và liệu có khuất tất gì khi lâm tặc lộng hành?
Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, có diện tích hơn 115.500 ha, là vườn quốc gia rộng nhất nước, với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, rừng Yok Đôn đã bị lâm tặc tấn công từ nhiều hướng, tàn sát từ vùng đệm cho đến vùng lõi. Gỗ rừng Yok Đôn liên tiếp bị khai thác, vận chuyển cả trên đường bộ, lẫn đường sông. Lực lượng bảo vệ rừng tuy đã được tăng cường, nhưng xem ra vẫn quá mỏng so với đội quân lâm tặc.
Những cây gỗ giáng hương và 2 chiếc xe máy lâm tặc để lại tại tiểu khu 425. |
Bên cạnh đó, hoạt động của lâm tặc ngày càng tinh vi, với những đường dây có tổ chức, thậm chí có “bảo kê” nên rất khó đấu tranh bóc gỡ. Khi đối mặt với lực lượng bảo vệ rừng, lâm tặc sẵn sàng chống trả quyết liệt để tẩu tán gỗ, phương tiện và công cụ sử dụng trong khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Thạc sỹ Trương Văn Trưởng, Giám đốc vườn cho biết: Từ đầu năm 2010 đến nay đã xảy ra 7 vụ lâm tặc chống trả, tấn công lực lượng bảo vệ rừng làm 9 cán bộ, nhân viên kiểm lâm của vườn bị thương. Chỉ trong quý I /2011, địa bàn vườn quản lý phát hiện 162 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, với 167 m3 gỗ và nhiều phương tiện bị tịch thu. Cái khó nhất trong công tác giữ rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn là xung quanh rừng có tới 7 xã vùng đệm với hàng vạn nhân khẩu.
Trên địa bàn 7 xã này có rất nhiều con đường đi vào rừng và trong 6 tháng mùa khô hàng trăm hộ dân mưu sinh bằng “nghề phá rừng”. Thậm chí, có những buôn làng ở ngay trong vùng lõi của vườn như buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã gây ra nhiều áp lực cho công tác bảo vệ rừng. Trong khi đó, bình quân một kiểm lâm viên của vườn đang quản lý bảo vệ 700 ha rừng, nên dẫu có tích cực đến mấy cũng không thể bảo vệ được tài nguyên rừng.
Ngày 12/4/2011, chúng tôi vào điểm nóng về tình trạng khai thác trái phép lâm sản trong rừng Yok Đôn. Tại các tiểu khu 421, 425 và 441, lâm tặc đốn hạ 5 cây gỗ hương đường kính từ 60 cm đến 1,2 m, với tổng khối lượng gỗ khoảng 20-25 m3. Theo tính toán, riêng cây giáng hương có đường kính 1,2 m có khối lượng hơn 6 m3, nếu vận chuyển trót lọt ra thành phố Buôn Ma Thuột với giá bán 40 triệu đồng/m3, thì số tiền lâm tặc thu được từ cây gỗ này lên đến 240 triệu đồng.
Gốc cây giáng hương có đường kính 97 cm bị đốn hạ tại tiểu khu 425. |
Lợi nhuận lớn chính là ma lực làm mờ mắt lâm tặc, khiến chúng phá rừng bằng đủ mọi phương cách. Nếu một vụ khai thác gỗ trái phép bị phát hiện, cưa xăng, xe ô tô, xe máy và các công cụ bị kiểm lâm bắt giữ, lâm tặc sẵn sàng đầu tư trang bị mới để thực hiện phi vụ khác. Tại tiểu khu 425, vào ngày 9/4/2011, trạm kiểm lâm số 9 và trạm kiểm lâm Đrang Phốk tuần tra phát hiện một nhóm lâm tặc đốn hạ 2 cây giáng hương. Khi bị truy đuổi, lâm tặc đã vứt lại 2 xe máy tại hiện trường rồi tháo chạy. Và đêm 9/4, nhóm lâm tặc này quay lại địa điểm cắt gỗ trên hòng tẩu tán xe máy và gỗ, lực lượng kiểm lâm đã phải bắn súng chỉ thiên chúng mới từ bỏ ý định.
Vấn đề đặt ra là hầu hết những cây gỗ quý bị lâm tặc chặt hạ nằm gần đường tuần tra bảo vệ rừng, khối lượng gỗ khá lớn, vậy tại sao lâm tặc lại dám hoạt động công khai đến thế. Trong khi đó, việc vận chuyển gỗ từ các tiểu khu trên ra khỏi rừng chỉ có con đường độc đạo, từ buôn Đrang Phốk ra tỉnh lộ 2. Mà trên đoạn đường này Vườn quốc gia Yok Đôn bố trí tới 2 trạm kiểm lâm.
Trên thực tế một số vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng lớn xảy ra tại Vườn quốc gia Yok Đôn đã không được được điều tra, xử lý nghiêm. Điển hình như vụ lâm tặc đốn hạ 5 cây giáng hương với khối lượng gỗ từ 20-25 m3 tại các tiểu khu 421, 525 và 441 trong thời điểm đầu tháng 4 này và tại hiện trường còn thu giữ được 2 chiếc xe máy. Với những tang chứng, vật chứng cụ thể như thế, tại sao Hạt kiểm lâm Vườn Yok Đôn không tiến hành khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn, để công tác quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả, ngoài việc tăng cường lực lượng và trang bị cho kiểm lâm, thì chính quyền các xã vùng đệm phải phát huy vai trò trong quản lý địa bàn, quản lý dân cư và phối hợp với chủ rừng, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Thúy Hiền