Năm 2011, UBND thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum có phương án sắp xếp khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung ở tổ 2, phường Lê Lợi (làng nghề H’nor). Dự án được đông đảo người dân ủng hộ. Tiếc rằng việc thực hiện dự án này có quá nhiều sai phạm.
Cấp sai đối tượng
“Bây giờ không còn là làng nghề nữa mà là khu dân cư mới rồi. Khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp gì mà quán xá, cà phê, kinh doanh, nhà ở tùm lum. Gia đình có nghề thì không được cấp đất, người không liên quan gì đến nghề nghiệp thì lại được cấp”, anh N.T, chủ một xưởng mộc ở khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung của thành phố Kon Tum bức xúc nói.
Rất nhiều diện tích đất ở làng nghề H’nor được sang nhượng trái phép. |
Làng nghề H’nor được quy hoạch ở khu vực phường Lê Lợi, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, cách đường Hồ Chí Minh chỉ 500 m. Đây là vị trí rất thuận lợi cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp… Mặc dù được quy hoạch là làng nghề nhưng đơn vị có trách nhiệm (Phòng Tài nguyên và Môi trường) lại tham mưu cho UBND thành phố giao 4,14 ha đất ở đô thị cho các gia đình, cá nhân có nhu cầu đất ở. Việc làm này trái với Quyết định 105/QĐ2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp - khu công nghiệp không có dân cư sinh sống.
Ngoài ra, việc phân lô để tiến hành tổ chức bốc thăm, cho thuê đất khi chưa lập quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp H’nor là không đúng quy định. Không những vậy, trên cơ sở báo cáo thẩm định của phòng Quản lý đô thị, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) nhưng không có hồ sơ quy hoạch kèm theo để làm cơ sở quản lý, phân lô, cấp phép xây dựng công trình theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (năm 2009), Luật Xây dựng (2003)… (theo Kết luận thanh tra số 147).
Theo quy định, các hộ dân không được xây dựng nhà ở quá 30% diện tích đất được cấp nhưng thực tế thì có rất nhiều căn nhà xây dựng kiên cố chiếm 50% diện tích với đầy đủ các phòng chức năng như hộ gia đình. Cá biệt có nơi còn xây dựng cả chòi lợp mái ngói để thư giãn rất hoành tráng.
Quan chức cũng xí phần
Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum - đơn vị được ủy quyền tổ chức ký kết hợp đồng cho thuê đất đối với các hộ sản xuất, kinh doanh vào làng nghề - đã có nhiều sai phạm khi triển khai chủ trương trên. Hàng loạt hợp đồng cho thuê sai đối tượng, cấp “nhầm” cho lãnh đạo và người nhà của các lãnh đạo phường.
Trước sự việc trên, người dân ở khu vực phường Quyết Thắng đã viết thư tố cáo lên UBND tỉnh về việc quan chức phường “xí phần” sau đó sang nhượng lại với giá 150 triệu đồng/lô. Khi thanh tra vào cuộc thì con số sai phạm lên đến hơn 70% tổng số hồ sơ đã cấp. Cụ thể, trong tổng số 256 quyết định cấp đất thì có tới 137 quyết định cấp sai đối tượng. Số còn lại (119 hộ) thì có tới 60 hộ không xây dựng nhà xưởng hay các công trình phụ trợ mà chỉ xây dựng móng, tường rào để giữ đất. Với hàng loạt sai phạm trên, thanh tra đã kiến nghị UBND thành phố thu hồi hết 197 hợp đồng thuê đất không đúng đối tượng hoặc đúng nhưng không triển khai thực hiện.
Phường Quyết Thắng có tới 8 cán bộ được cấp đất, trong đó có 7 đảng viên. Như ông Trần Văn Hải, Phó Bí thư phường, đứng tên xin thuê đất để làm nghề mộc dân dụng. Ông Hồ Khánh Long có vợ là Phạm Thị Tố Loan, Phó Chủ tịch UBND phường, cũng có suất dù ông Long không phải là đối tượng được cấp đất. Nhiều cán bộ văn phòng Đảng ủy phường, quản lý đô thị, phường đội… cũng có suất. Theo phản ánh của người dân địa phương, có rất nhiều người không có nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhưng cũng được cấp 2 - 3 lô đất. Dù chính quyền địa phương không xác nhận, nhưng vẫn được cấp đất, sau khi được cấp thì nhiều người đã sang nhượng để trục lợi.
Ông Phan Văn Thế, Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: “Phương án thì đúng, nhưng quá trình triển khai thực hiện sai thì phải kiên quyết thu hồi và xử lý...”.
Sau khi có kết luận thanh tra về các sai phạm trên và kiến nghị thu hồi đất thì ở làng nghề H’nor mấy tuần qua, tình trạng xây dựng công trình nhộn nhịp hẳn lên, cả ngày lẫn đêm. Có hộ biết bị thu hồi nhưng vẫn tranh thủ xây móng.
Ông Thế cho biết: Trước mắt sẽ thu hồi toàn bộ đất của 70 hộ dân đã có quyết định nhưng để đất trống, chỉ xây dựng tường rào, công trình phụ hoặc mới xây; đảng viên, cán bộ thu hồi trước. Đối với những trường hợp đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sau khi thu hồi, nếu người dân có nhu cầu thật sự mới tiếp tục xem xét.
Theo quy hoạch của thành phố, làng nghề H’nor có tổng diện tích gần 124.000 m2, trong đó gần 89.000 m2 đất bố trí cho các cơ sở sản xuất, dự kiến ưu tiên di dời 195 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động trong nội thành; bình quân mỗi hộ có diện tích từ 250 - 500 m2, thời hạn thuê là 50 năm. |
Bài và ảnh: Cao Nguyên