Sắp xét xử vụ người nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả

Chiều 22/8, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng Phạm Đức Tuyên cho biết: Trong hai ngày 25-26/8/2014, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Xiong Jie và các đồng phạm về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". 

 

Bốn bị cáo trong vụ án gồm: Xiong Jie, sinh năm 1979; đăng ký hộ khẩu thường trú khu Giang Ngạn, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; chỗ ở số 60 đường Đạt Khương, khu Thiên Hà, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc; nghề nghiệp lao động tự do, trình độ văn hóa 10/10. Bị bắt, tạm giam từ ngày 30/3/2013. 

 

Lin Wei, sinh năm 1964; đăng ký hộ khẩu thường trú phòng 603, lô 13 khu Giang Can, thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc; chỗ ở số 56 đường Thạch Hoa Đông, Hương Châu, thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; không nghề nghiệp, trình độ văn hóa lớp 9/10. Bị bắt, tạm giam từ ngày 29/3/2013. 

 

Lin Jia Jun, sinh năm 1993; đăng ký hộ khẩu thường trú số 2 đường Bắc Linh Trung, Hương Châu, thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; chỗ ở số 56 đường Thạch Hoa Đông, Hương Châu, thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; nghề nghiệp sinh viên du học tại Mỹ; trình độ văn hóa 10/10. Bị bắt, tạm giam từ ngày 29/3/2013. 

 

Lin Li Hua, sinh năm 1981; đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở số 215 Câu Đầu, thành phố Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc; nghề nghiệp kinh doanh tự do; trình độ văn hóa 10/10. Bị bắt, tạm giam từ ngày 29/3/2013. 

 

Bốn bị cáo trên đều mang quốc tịch Trung Quốc. Luật sư Trịnh Khắc Triệu (Công ty luật TNHH Trịnh Khắc Triệu) bào chữa cho ba bị cáo Lin Wei, Lin Jia Jun, Xiong Jie. Luật sư Trịnh Văn Nam (Công ty luật TNHH Trịnh Khắc Triệu) bào chữa cho bị cáo Lin Li Hua. 

 

Theo cáo trạng: Ngày 26/3/2013, thông qua công tác kiểm tra về quản lý xuất nhập cảnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng phối hợp với các đơn vị chức năng đã phát hiện bốn đối tượng người Trung Quốc là Xiong Jie, Lin Wei, Lin Jia Jun, Lin Li Hua đang lưu trú tại khách sạn Lạc Long (địa chỉ số 83 Bạch Đằng, Hải Phòng) có hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả chiếm đoạt tài sản. 

 

Tại cơ quan điều tra, bốn bị can trên khai nhận, với mục đích chiếm đoạt tiền của người nước ngoài bằng thẻ tín dụng giả thông qua ngân hàng Việt Nam, các đối tượng đã sử dụng một số công cụ, phương tiện (như máy tính xách tay, thiết bị hiện số điện thoại, thiết bị chia line điện thoại, thiết bị ghi thông tin thẻ, 7 thẻ ngân hàng) để làm thẻ tín dụng giả chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của nhóm này là núp dưới danh nghĩa doanh nhân đang thực hiện các dự án đầu tư... Sau khi quẹt thành công, các đối tượng yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam (đơn vị có đặt cây ATM) đến ngân hàng rút tiền mặt để chuyển cho chúng. 

 

Cụ thể, trong tháng 2 và 3/2013, A Quang, người Trung Quốc (không rõ địa chỉ), Học (phiên dịch cho A Quang, không rõ địa chỉ) cùng Yu Bin đến khách sạn Cảnh Hưng thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Cảnh Hưng (viết tắt là Công ty Cảnh Hưng) ở thôn Ngô Yến, xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng và đặt vấn đề với Phạm Thị Cảnh, Giám đốc Công ty Cảnh Hưng về việc lắp đặt đường truyền cáp quang và máy thanh toán thẻ ngân hàng để phục vụ khách nước ngoài đến Hải Phòng làm dự án xây dựng nhà máy sản xuất tem mác. Sau đó, A Quang tiếp tục thỏa thuận với Phạm Thị Cảnh và Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Công ty TNHH Hướng Dương (viết tắt là Công ty Hướng Dương) cho các đối tượng người Trung Quốc sử dụng thẻ ngân hàng giao dịch thanh toán tại các máy thanh toán thẻ của Ngân hàng đặt tại Công ty Cảnh Hưng, Công ty Hướng Dương và Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Trúc Lâm (viết tắt là Công ty Trúc Lâm) do Nguyễn Văn Minh làm Giám đốc để chuyển tiền từ tài khoản có trong thẻ vào tài khoản của các công ty trên. Phạm Thị Cảnh, Nguyễn Thị Thu Hường, Nguyễn Văn Minh đã ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ quốc tế với ngân hàng Vietcombank Hải Phòng và ngân hàng Viettinbank Lê Chân đặt tại Công ty Cảnh Hưng, Công ty Hướng Dương và Công ty Trúc Lâm. 

 

Việc làm thẻ tín dụng giả bằng cách: Yu Bin mua thông tin mã số thẻ ngân hàng của người nước ngoài trên mạng internet, sau đó Yu Bin và Lin Wei chuyển mã số thẻ cho Lin Jia Jun để Lin Jia Jun chuyển tiếp cho Xiong Jie hoặc Yu Bin, Lin Wei trực tiếp chuyển cho Xiong Jie. Xiong Jie sử dụng máy tính (có cài đặt phần mềm MSR ghi thông tin thẻ từ) kết nối với thiết bị ghi thông tin thẻ từ nạp mã số thẻ vào các phôi thẻ. Sau đó, Yu Bin, Xiong Jie, Li Lin Hua sử dụng thẻ tín dụng có các thông tin giả quẹt thẻ vào các máy thanh toán thẻ của ngân hàng Vietcombank Hải Phòng và ngân hàng Viettinbank Lê Chân đặt tại Công ty Cảnh Hưng, Công ty Hướng Dương và Công ty Trúc Lâm để rút tiền. 

 

Tổng số giao dịch bằng thẻ giả tại 2 ngân hàng thành công là 196 lần. Tổng số tiền đã rút được ra và sử dụng là 3.940.700.000 đồng (do Phạm Thị Cảnh, Nguyễn Văn Hiếu-nhân viên Công ty Cảnh Hưng; Nguyễn Thị Thu Hường và Phạm Thị Hương-kế toán Công ty Hướng Dương; Nguyễn Văn Minh thực hiện rút tiền). 

 

Toàn bộ số tiền các đối tượng chiếm đoạt đều được rút từ các mã số thẻ của các ngân hàng ở nước ngoài phát hành gồm: Mỹ, Braxin, Italia, Ixaren, Hồng Kông, Chile, Nam Phi... Hiện nay, ngân hàng Vietcombank Hải Phòng đã tiếp nhận yêu cầu đòi bồi hoàn của các ngân hàng phát hành thẻ đối với các giao dịch với số tiền 1.622.420.000 đồng, ngân hàng Viettinbank Lê Chân tiếp nhận yêu cầu đòi bồi hoàn số tiền 3.944.951.000 đồng với lý do giao dịch giả mạo, chủ thẻ không thực hiện giao dịch tại 3 công ty trên. Theo quy định của Tổ chức thẻ Quốc tế và Hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ, Công ty Cảnh Hưng, Công ty Hướng Dương, Công ty Trúc Lâm phải hoàn trả số tiền thanh toán bằng thẻ giả cho ngân hàng Vietcombank và ngân hàng Viettinbank để hoàn trả cho ngân hàng phát hành thẻ vì đã để các đối tượng sử dụng thẻ giả để chiếm đoạt tài sản. 

 

Hành vi của các đối tượng trên ngoài việc chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng còn gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống thanh toán tín dụng của Việt Nam. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm để phòng ngừa, ngăn chặn.

 

Minh Huệ

Quẹt thẻ giả, được cả chục nghìn USD
Quẹt thẻ giả, được cả chục nghìn USD

Các lực lượng Cảnh sát hình sự và Quản lý Xuất nhập cảnh CATP Hà Nội vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.HCM phát hiện, triệt phá đường dây tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản mang tính chất quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN