Ngày 4/1, theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) (Bộ Công an), sau 2 ngày (từ ngày 1- 2/1) triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phạt tiền hơn 816 triệu đồng đối với 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Đáng chú ý, một số người vi phạm nồng độ cồn, khi được lực lượng chức năng thông báo mức phạt cũng như thời hạn giữ giấy phép lái xe (của luật mới) đã phản ứng dữ dội, sau đó bất hợp tác với lực lượng chức năng, tự ý bỏ đi.
Bên cạnh đó, nhiều người vi phạm tỏ ra “bỡ ngỡ” trước mức xử phạt cũng như thời hạn giữ giấy phép lái xe của Nghị định mới.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội, đã có 2 trường hợp bị phạt tới 35 triệu đồng, một trường hợp bị tước giấy phép lái xe 23 tháng. Thậm chí có trường hợp còn mạo danh Vụ trưởng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo để gây sức ép, buộc lực lượng chức năng bỏ qua lỗi vi phạm. Tại TP. Hồ Chí Minh, có vài trường hợp sau khi “gọi điện thoại cho người quen” không được đã tự ý bỏ đi, không hợp tác với lực lượng chức năng.
Cũng theo hồ sơ từ Cục CSGT, nhiều trường hợp có biểu hiện say xỉn khi đến ngã tư thấy tổ công tác đang làm nhiệm vụ đã đối phó bằng cách xuống xe dẫn bộ qua khỏi chốt xong tiếp tục leo lên xe đi tiếp.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông, đặc biệt là mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Cục CSGT nhận định, việc áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP là đồng bộ, kịp thời trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay.