Theo đó, bà Trần Tuyết Minh khẳng định: Tỉnh sẽ tổ chức chỉ đạo, kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân, các đơn vị có liên quan đến việc tham mưu, chỉ đạo xử lý lâm sản tồn này. Trong quá trình kiểm điểm nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử lý nghiêm. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh trên tinh thần sai đến đâu, xử lý đến đó.
"Thông qua vụ việc nêu trên bước đầu chúng tôi nhận thấy có ba bài học. Thứ nhất liên quan đến việc cần nâng cao trách nhiệm công vụ. Thứ hai liên quan đến vụ việc thì kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước. Bài học thứ ba là cần kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời. Khi có kết quả kiểm điểm, xử lý (nếu có), tỉnh sẽ cung cấp thông tin cho báo chí" – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Theo báo cáo liên quan đến vụ 8.000 m3 gỗ do UBND tỉnh Bình Phước cung cấp cho thấy: Để thực hiện mục đích an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, UBND tỉnh Bình Phước lập báo cáo rà soát các dự án cần triển khai thực hiện tại báo cáo số 241/BC-UBND ngày 26/11/2013 trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét chấp thuận. Sau khi được chấp thuận chủ trương, tỉnh Bình Phước lập các bước hồ sơ thực hiện dự án và lập hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng lâm sản các được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ngừng thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác kể cả các dự án đã được phê duyệt kể từ ngày 22/07/2016, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn về tạm ngưng toàn bộ các dự án đang triển khai thực hiện .
Sau khi có quyết định tạm ngừng, số lâm sản đã khai thác và vận chuyển tiêu thụ diễn ra tại các lâm trường ở Bình Phước là rất lớn. Trong tổng số đó vẫn còn tồn đọng 8.080 m3 gỗ đã khai thác; trong đó, có 591 m3 gỗ từ nhóm II đến nhóm IV, còn lại 7.489m3 khối gỗ tạp nhóm V đến nhóm VIII, để ngoài trời lâu ngày nên lâm sản đã bị mục nát.
Trên cơ sở đề xuất của Tổ công tác liên ngành, Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương tiêu hủy lâm sản tồn đọng tại các dự án trên địa bàn tỉnh. Từ đó, UBND tỉnh ban hành công văn về việc tiêu hủy lâm sản tồn đọng tại các dự án trên địa bàn tỉnh và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương tiêu hủy hàng ngàn m3 gỗ lâm sản tồn theo hình thức để tự mục nát.
Đồng thời, tỉnh quyết định hoàn trả lại số tiền hơn 11 tỷ đồng cho các doanh nghiệp đã nộp cho nhà nước để thu mua, khai thác lâm sản nhưng nay không thực hiện được. Cụ thể gồm: Tổng Công ty Nông lâm nghiệp Việt Nam được hoàn trả lại 2,5 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công Thành (2 tỷ đồng); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát Lộc (3,4 tỷ đồng); Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hồng Phúc (3,2 tỷ đồng).
Từ khi thực hiện công văn số của UBND tỉnh Bình Phước hoàn lại tiền cho doanh nghiệp khai thác tiêu thụ gỗ, dư luận tại tỉnh đang "nóng" lên, nhiều người dân phản ánh là có một ngịch lý đã xảy ra: Nhà nước vừa mất rừng, mất tiền, mất cả hàng ngàn khối gỗ để mục nát, gây lãng phí rất lớn; cần được cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Bình Phước sớm làm rõ trách nhiệm.