Buôn lậu gia tăng
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời điểm cuối năm là dịp người tiêu dùng tăng cường mua sắm khi các nhà bán lẻ, các đơn vị sản xuất - kinh doanh, chuỗi cửa hàng đồng loạt đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng, người dân nên chọn địa điểm mua sắm uy tín, hàng hóa chất lượng để bảo vệ quyền lợi chính đáng, an toàn của bản thân và gia đình.
Ông Trần Hữu Linh cũng đưa ra một trường hợp cụ thể mới đây lực lượng chức năng Hà Nội đã bắt giữ một vụ buôn lậu hàng tấn bánh kẹo dành cho trẻ em giả nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc.
Theo khai nhận của người vận chuyển, số bánh kẹo này có xuất xứ từ Trung Quốc; trong đó, có nhiều loại dành cho trẻ em, dưới dạng kẹo cao su với bao bì bắt mắt, nhưng khi mở ra lại có mùi hắc xộc lên rất mạnh.
Hay tại địa bàn tỉnh Đà Nẵng, Đội quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Kim Liên (Đà Nẵng) tiến hành dừng và kiểm tra đột xuất xe tải biển kiểm soát 75C-04473, do ông Phan Văn Sa (SN 1972, trú tại Thừa Thiên Huế) điều kiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ngoài hàng hóa là phế liệu, trên xe còn chứa hơn 600 chai rượu ngoại các loại gồm Chivas Regal 25 (700ml/chai), Rượu Johnnie Walker Red Label (700ml/chai), Captain Morgan Black (750ml/chai), Royal Salute Gift boxes 21 (700ml/chai). Toàn bộ số rượu trên đều không có dán tem nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và tính hợp pháp khi lưu thông.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp với Công an huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) kiểm tra ôtô khách mang biển kiểm soát 29B – 50.017 do ông Nguyễn Duy Cường (trú tại xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) điều khiển tại thôn Khưa Đa, xã Tân Mỹ, tỉnh Lạng Sơn.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có hơn 200 kg pháo loại 36 quả/dàn, được đựng trong 8 thùng giấy, nhập lậu từ Trung Quốc. Tài xế khai nhận được thuê vận chuyển số pháo trên cho một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc không rõ tên tuổi, vận chuyển về Hà Nội để tiêu thụ.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường cơ động số 4 thuộc Cục quản lý thị trường Hải Phòng phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC04- Công an TP Hải Phòng) kiểm tra kho hàng số 226, phố Lê Lai (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) do ông Vũ Văn Đạo thuê của Công ty Cổ phần Vật tư thủy sản Việt Nam.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.000 thùng bia chai, nước ngọt không rõ nguồn gốc mang nhãn hiệu Heiniken, Cocacola và Corona… đều không in ngày sản xuất. Chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số hàng nêu trên.
Nhận định về thực trạng buôn lậu, hàng giả dịp sát tết, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 9/TP Chu Xuân Kiên cho biết, càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động mạnh. Mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là thực phẩm, bánh kẹo, rượu, hóa mỹ phẩm, thời trang may mặc,...
Ngoài nguồn hàng có xuất xứ Trung Quốc, các đối tượng đang chuyển sang mặt hàng có chất lượng cao hơn, xuất xứ Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thay vì tập kết hàng lậu trên xe lớn như những năm trước, các đối tượng buôn lậu đã xé lẻ hàng lậu, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm... vận chuyển bằng xe máy, xe ô tô khách, xe tải nhẹ từ biên giới, các tỉnh giáp ranh với Hà Nội; trà trộn cùng hàng hóa có hóa đơn từ các chợ Tân Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn), các tỉnh An Giang, Long An, Quảng Ninh... đưa vào Hà Nội để tiêu thụ và trung chuyển tới các địa phương khác.
Phân tích thêm về những khó khăn, ông Chu Xuân Kiên cho biết, tuyến vận chuyển bằng đường thủy từ Hải Phòng về Hà Nội chiếm tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu lớn, thường do các doanh nghiệp nhập khẩu. Do phương tiện vận chuyển bằng container, mở tờ khai từ Hải Phòng, hoặc chuyển tiếp kiểm hóa tại Hà Nội nên việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn hơn các tuyến vận chuyển khác.
Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm
Ông Chu Xuân Kiên chia sẻ, xác định nguồn gốc của các sản phẩm hàng hóa giả mạo tem nhãn hầu hết xuất phát từ phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 2 tăng cường tuyên truyền pháp luật, vận động ký cam kết không kinh doanh, buôn bán hàng giả, tem, nhãn, bao bì giả mạo nhãn hiệu.
Cùng với đó, chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 14 phối hợp kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm. Cục cũng phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại một số điểm nóng như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp...; kiểm soát hoạt động vận chuyển qua các cửa khẩu hàng không, đường sắt, đường bộ để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Cũng theo ông Chu Xuân Kiên, cùng với việc kiểm soát hàng hóa được đưa vào Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường cũng tập trung kiểm tra, kiểm soát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm, đại lý, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị.
Đặc biệt, tập trung kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm của các nguyên liệu chính và chất phụ gia được các cơ sở đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh; kiểm tra tem, nhãn, bao bì hàng hóa đối với các mặt hàng truyền thống có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường vận chuyển thực phẩm vào thành phố gắn với các chốt kiểm dịch động vật liên ngành.
Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua các sản phẩm hàng hóa, nhất là mặt hàng thực phẩm phải có nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ. Đặc biệt, khi phát hiện thực phẩm "bẩn", hàng giả, hàng nhái, cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý, góp phần làm "sạch" thị trường.
Theo ông Trần Phước Trí - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, năm 2019, đơn vị sẽ tập trung vào các nhiệm vụ lớn gồm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Mặt khác, lực lượng sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường về giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố; tăng cường kiểm tra xử lý các sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nhất là kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; tăng cường chống buôn lậu thuốc lá; chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả.
Đặc biệt, vận động các đơn vị kinh doanh cam kết không tham gia và tiếp tay tiêu thụ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa kém chất lượng.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Cùng với đó, chú trọng kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng với hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; các đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hoá và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Trong quá trình triển khai, nếu phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm sẽ có giải pháp xử lý kịp thời.