Ngày 22/6, sau 1 ngày xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Sóc Trăng lại bị hoãn lần thứ 5 với nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do sức khỏe của bị cáo Trần Văn Là, Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp Như Ý ở xã Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) không đảm bảo (bị cáo Là bị buộc tội ký chứng từ khống để TTKC rút tiền của Nhà nước) .
Đây là một vụ án điểm về tham nhũng liên quan đến 7 bị cáo phải đưa ra xét xử dứt điểm trong năm 2010 của tỉnh Sóc Trăng nhưng sau 5 lần đưa ra xét xử, Toà sơ thẩm Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa tuyên được án.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng, năm 2006-2007, Ngô Hồng Phi là Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) đã thông đồng với 4 nhân viên là Nguyễn Quốc Trung, Đặng Minh Út, Nguyễn Thế Vương, Nguyễn Quách Hồng Quyên lập hồ sơ khống để thanh toán tiền của 65 đề án dạy nghề giải quyết việc làm cho nông dân, với số tiền tham ô lên tới 403,3 triệu đồng.
Cũng theo cáo trạng, bà Huỳnh Ngọc Bích (46 tuổi, Chủ nhiệm HTX thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích, huyện Mỹ Xuyên, nay là huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã thông đồng với cán bộ TTKC ký khống 6 hợp đồng đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; đóng dấu treo trên 5 phiếu thu, giúp TTKC thanh toán khống 57 triệu đồng. Bà Bích thực lĩnh 17,6 triệu đồng, sau khi khởi tố bị can đã nộp lại số tiền trên. Dư luận cho rằng vụ việc với HTX thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích đang bị hình sự hóa, khiến HTX và mấy ngàn lao động của HTX đang lâm vào điêu đứng.
Theo các luật sư bào chữa cho các bị cáo, hiện việc tạm giữ, tạm giam đối với một số bị cáo đã quá hạn luật định bởi theo quy định, thời hạn tạm giam tối đa đối với các bị cáo chỉ được 9 tháng nhưng thực tế có những bị cáo đã bị tạm giam đến 18 tháng, vượt gấp đôi so với thời gian quy định.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại các phiên toà đã nhiều lần kiến nghị với Hội đồng xét xử nhưng chưa được giải quyết và cũng không nêu rõ lý do.
TTXVN/Tin tức