Dọc vùng hồ thủy điện Hòa Bình (thuộc địa phận tỉnh Sơn La) có khoảng 14 chợ phiên ven hồ tại các điểm: Chiềng Yên, Song Khủa, Quy Hướng, Suối Bàng, Đá Đỏ, Chiềng Sại, Phiêng Côn, Song Pe, Chim Vàn, Pắc Ngà, Chiềng Hoa... Lượng hàng chủ yếu do các đội tàu chở hàng (còn gọi là tàu chợ) từ tỉnh Hòa Bình lên buôn bán, trao đổi hàng hóa, thu mua nông, lâm sản, tôm cá của những người dân sống ven hồ. Ở các chợ ven hồ hầu hết là chợ tạm, bởi nơi họp chợ chỉ là những bãi đất trống ven hồ, hoặc họp chợ diễn ra ngay trên mặt hồ. Những năm trước đây, tỉnh Sơn La đã nỗ lực đầu tư một số chợ xây cố định ven hồ, nhưng trong quá trình khai thác tỏ ra không phù hợp với nhu cầu trao đổi hàng hóa của dân, do mặt nước hồ không ổn định. Thực tế, khi công trình thủy điện Hòa Bình xả nước thì những chợ xây cố định này trở thành “chợ treo” cách xa mặt hồ hàng trăm mét.
Còn ở thành phố Sơn La, UBND thành phố đầu tư 1 tỷ đồng để xây chợ Chiềng An, thuộc tổ 5, phường Chiềng An từ năm 2000 với diện tích 8.200 m2, nhưng nay vẫn để trống. Chợ bao gồm khu nhà cột sắt, mái tôn, xung quanh khu chợ xây láng xi măng, có hàng rào bao quanh, có bến xe tĩnh và khu giữ xe, địa điểm chợ nằm ngay ven đường chục chính của thành phố. Nhưng 4 năm sau khi khánh thành, chợ vẫn không có hộ nào vào kinh doanh. Vì vậy, UBND thành phố Sơn La đã giao khu chợ này cho doanh nghiệp Hợp Lực. Từ năm 2004 đến nay, toàn bộ khu chợ đã bị dỡ bỏ thành bãi đất trống, đường vào khu chợ nay bị nhiều hộ dân lấn chiếm xây nhà tạm để ở, trong khi những hộ kinh doanh lại tràn ra hè phố, lấn chiếm cả khu vực mặt tiền Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La chỉ cách khu chợ bỏ hoang chưa đầy 200 m.
Còn chợ Giảng Lắc, nằm bên trục đường Hoàng Quốc Việt, xây dựng cách đây 3 năm, diện tích vài ngàn m2 thuộc tổ 3, phường Quyết Thắng (thành phố Sơn La) cũng rơi vào tình trạng bị bỏ hoang, hàng tỷ đồng đầu tư xây dựng xong chỉ để “ngắm”. Trong khi khu vực lân cận tính sơ sơ cũng có đến 3-4 điểm do không có chợ để họp, bà con đã tràn ra đường hoặc làm lán tạm để bán hàng, làm mất mỹ quan đô thị.
Từ năm 2005 đến nay, Sơn La đã đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp mạng lưới chợ, chú trọng chợ nông thôn, chợ vùng cao biên giới. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, nhiều khu vực hình thành chợ mới chỉ được đầu tư xây dựng bán kiên cố, chợ tạm, nên công tác quản lý còn có những bất cập, chưa khuyến khích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Hầu hết những xã có chợ đều không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu, như hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước và nguồn nước sạch, phương tiện phòng cháy chữa cháy hầu như không có, chưa kể đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường khu chợ.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Sơn La, giai đoạn 2011-2015 sẽ triển khai xây dựng 96 chợ, nâng cấp, mở rộng, cải tạo 15 chợ với tổng kinh phí 120 tỷ đồng; tiếp tục cải tạo, nâng cấp, xây dựng các chợ thị trấn, thị tứ, chợ cửa khẩu thành chợ lớn, có quy mô thuộc chợ loại 2, trở thành chợ trung tâm của huyện hoặc một tiểu vùng gồm nhiều xã làm hạt nhân của mạng lưới các chợ dân sinh liên bản, liên xã.
Ông Vũ Xuân Quyết, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Sơn La đánh giá: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc phát triển hệ thống thương mại nông thôn rất cần thiết. Nhưng không nhất thiết phải xây dựng mỗi xã một chợ. Các địa phương cần xác định rõ địa điểm, quy mô xây dựng chợ cho phù hợp, có tiêu chí xây dựng chợ gắn với phát triển, xây dựng nông thôn mới, kết nối giữa các loại hình thương mại, phục vụ tiêu dùng nội tỉnh, thu hút tiêu thụ hàng hóa từ các tỉnh khác trong vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn miền núi của tỉnh Sơn La.
Bài và ảnh: Điêu Chính Tới