Thời gian qua, một số ngân hàng, tổ chức, cá nhân ham lãi suất cao đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy vậy, chưa có ai đề cập đến thủ đoạn Huyền Như dùng hồ sơ giả để vay tiền của Ngân hàng Công thương, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng. Trong việc này, nhiều cán bộ của Ngân hàng Công thương đã bị khởi tố, truy tố bởi hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, trên cơ sở hợp đồng tiền ký gửi với Ngân hàng Công thương, các nhân viên Ngân hàng ACB, Ngân hàng Nam Việt đã chuyển tiền vào tài khoản của từng người mở tại Ngân hàng Công thương. Mặc dù không được sự đồng ý của khách hàng, Huyền Như tự ý giả chữ ký, lập 83 thẻ tiết kiệm do Ngân hàng Công thương phát hành trị giá 533,55 tỷ đồng đứng tên các khách hàng gửi tiền, sau đó Huyền Như sử dụng trái phép các thẻ tiết kiệm này làm tài sản bảo đảm, lập hợp đồng vay tiền giả, ký giả chữ ký của chủ thẻ tiết kiệm với vai trò là người bảo lãnh, người đứng tên vay và nhờ người thân đứng tên để vay 514,54 tỷ đồng tại 2 phòng giao dịch Điên Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng thuộc Ngân hàng Công thương TP.HCM.
Tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Huyền Như đã nhờ hai cá nhân là Dương Thanh Tâm, Nguyễn Thanh Nhã ký 6 hợp đồng vay tiền; đồng thời Như tự ký giả chữ ký của 14 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt trên 53 hợp đồng vay tiền tại Ngân hàng Công thương với tổng số tiền 247,250 tỷ đồng.
Kết luận điều tra, Cáo trạng truy tố cũng nêu rõ các cán bộ của Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Công thương là Trần Thanh Thanh (nguyên Trưởng phòng Tín dụng), Bùi Ngọc Quyên (nguyên Phó Phòng Giao dịch), Tống Nguyên Dũng (nhân viên tín dụng), Hoàng Hương Giang và Phạm Thị Tuyết Anh (giao dich viên) đã vi phạm quy định về cho vay, đề xuất lãnh đạo duyệt cho vay, ký hợp đồng cho vay mà không có mặt của người vay hoặc người bảo lãnh tại Ngân hàng để cho Huỳnh Thị Huyền Như ký giả chữ ký của các cá nhân đó vào các hồ sơ vay, chiếm đoạt số tiền 274,6 tỷ đồng của Ngân hàng Công thương.
Tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Huyền Như đã nhờ 6 cá nhân là Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Hùng Vạn Đức, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Thị Thủy ký 13 bộ hồ sơ vay tiền; đồng thời Huyền Như tự ký giả chữ ký của 9 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt trên 29 hợp đồng vay tiền tại Ngân hàng Công thương với tổng số tiền 239,94 tỷ đồng.
Kết luận điều tra, Cáo trạng truy tố cũng nêu rõ các cán bộ của phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Ngân hàng Công thương là Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng Phòng Giao dịch), Vũ Nguyễn Xuân Tiến (nguyên Phó Phòng Giao dịch), Nguyễn Thị Phúc Ngân (giao dịch viên) và Huỳnh Chí Trung (nhân viên tín dụng) đã vi phạm quy định về cho vay, đề xuất cho vay, trực tiếp duyệt cho vay, ký hợp đồng cho vay mà không có mặt của người vay hoặc người bảo lãnh tại Ngân hàng để cho Huyền Như ký giả chữ ký của các cá nhân đó vào các hồ sơ vay, chiếm đoạt số tiền 239,94 tỷ đồng của Ngân hàng Công thương.
Kết luận điều tra và Cáo trạng đều khẳng định các cá nhân có thẩm quyền đề xuất, xét duyệt cho vay nêu trên đã vi phạm quy trình nghiệp vụ đối với các giao dịch cho vay cầm cố bằng thẻ tiết kiệm của chính Ngân hàng Công thương, quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sau khi bị Huyền Như qua mặt, chiếm đoạt tiền, dù biết rõ hồ sơ vay vốn là giả, chữ ký giả trên các hợp đồng cầm cố thẻ tiết kiệm và việc cho vay như trên là trái quy định nhưng Ngân hàng Công thương vẫn dùng số tiền từ thẻ tiết kiệm đã được cầm cố để thu hồi các khoản nợ đã cho vay sai mà không có sự đồng ý của chủ thẻ tiết kiệm; sử dụng trái phép tiền gửi của khách hàng để bù đắp cho thiệt hại đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Điều bất ngờ là với các hành vi như trên, Kết luận điều tra và Cáo trạng truy tố lại không xem xét đến trách nhiệm của Ngân hàng Công thương trong việc trả lại tiền cho khách hàng mà kết luận Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền của các khách hàng gửi tiền (Ngân hàng ACB và Ngân hàng Nam Việt), trong khi Huyền Như chiếm đoạt tiền của chính Ngân hàng Công thương thông qua hợp đồng vay giả, chính Ngân hàng Công thương đã thu nợ trái phép từ tiền gửi của khách hàng để khắc phục việc cho vay trái pháp luật của mình. Sai phạm chồng lên sai phạm.
Kết luận này mâu thuẫn với chính việc truy cứu trách nhiệm hình sự các cán bộ Ngân hàng Công thương vi phạm các quy định về cho vay gây hậu quả nghiêm trọng, vì nếu Ngân hàng Công thương đã thu nợ hợp pháp thì làm gì còn hậu quả nghiêm trọng? Trong hai lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều xác định rõ trách nhiệm trả tiền của Ngân hàng Công thương.
Bất ngờ hơn nữa, các cá nhân đứng tên vay trên hồ sơ giả, ký giả, giúp Huyền Như lừa đảo đã không bị xử lý hình sự với lý do ý thức chủ quan không biết hành vi phạm tội của Huyền Như. Trên thực tế dù các cá nhân này không có nhu cầu vay tiền, không phải là chủ thẻ tiết kiệm, không có quan hệ với chủ thẻ tiết kiệm, vẫn cố ý ký hồ sơ không đúng, thực chất để Huyền Như sử dụng tiền vay và sau đó là chiếm đoạt. Việc này có thể tạo tiền lệ rất nguy hiểm để tội phạm chiếm đoạt tiền của Ngân hàng phát triển.
Liệu các cơ quan tố tụng có bỏ lọt tội phạm, và việc chống tham nhũng như vậy liệu có triệt để, đây là câu hỏi cần được trả lời trước công luận.
Theo PL&XH