Sau quá trình theo dõi, xác minh, ngày 15/2, Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 22, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 11, ngách 2, ngõ 123 phố Trần Cung do bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 2.020 tuýp trị bệnh trĩ nhãn có chữ MR.DAFLON, loại 15g/tuýp. Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ theo ĐKQT số 355064 của Biofarma.
Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lực lượng chức năng cũng phát hiện, cơ sở kinh doanh này kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Đặc biệt, kiểm tra về hoạt động thương mại điện tử, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Hiền đang dụng sàn thương mại điện tử Shopee có đường link: “shopee.vn/hienboida2326” và facebook có đường link: “facebook.com/DacTriTri” với tên Shop Tiểu Vy 3 - Chuyên hàng nhập khẩu Âu Mỹ để bán sản phẩm thuốc trị bệnh trĩ nhãn có chữ MR.DAFLON, loại15g/tuýp.
Đoàn kiểm tra và bà Hiền truy cập vào các đường link trên Shopee, Facebook trên và xác định bà Hiền có cung cấp thông tin buôn bán hàng giả trên môi trường internet (hình ảnh hàng hóa, có tên MR.DAFLON gắn trên sản phẩm, là hàng hóa giả mạo nhãn nhãn hiệu đang được bảo hộ). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết là 1.780.000 đồng.
Trao đổi với cơ quan chức năng, bà Hiền khai nhận, toàn bộ số hàng hóa là thuốc trên do bà Hiền mua trôi nổi ngoài thị trường qua Facebook về để kinh doanh qua Facebook và Shopee; không có giấy đăng ký lưu hành; không có hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa. Trên shopee, sản phẩm này được bán với giá 189.000 đồng/1 tuýp.
Đại diện Đội QLTT số 1 cho biết, đơn vị này đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi, nắm bắt thông tin của đối tượng trên với thời gian dài (xuyên Tết Nguyên đán), cũng như liên hệ với đại diện sở hữu nhãn hiệu (Biofarma - Pháp) để phối hợp trình tự thủ tục xác nhận hàng giả mạo nhãn hiệu cũng như hệ thống dữ liệu của cơ quan quản lý dược để xác định mặt hàng vi phạm có dấu hiệu không có số đăng ký lưu hành theo quy định của Luật Dược.
Vụ việc trên là vụ việc điển hình trong việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh thuốc giả mạo nhãn hiệu, thuốc không có số đăng ký lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, người kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định. Đặc biệt số lượng hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra có số lượng, giá trị lớn là 2.020 hộp tương đương 1.780.000 đồng. Có dấu hiệu tội phạm hình sự theo điểm đ khoản 1 Điều 190 và khoản 1 Điều 226 Bộ Luật hình sự.
Đội QLTT số 1 báo cáo lãnh đạo Cục QLTT Thành phố Hà Nội biết và cho ý kiến chỉ đạo cũng như phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông khuyến cáo người tiêu dùng, người bệnh không nên mua thuốc chữa bệnh trên các nền tảng mạng xã hội như facebook.com, zalo…
Trong trường hợp có mua thuốc trên môi trường thương mại điện tử, chỉ nên lựa chọn các website, ứng dụng di động chính thống, có đầy đủ thông tin về chủ sở hữu website và đặc biệt thuốc phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị chịu trách nhiệm về thuốc cũng như số giấy phép đăng ký lưu hành thuốc do cơ quan quản lý dược cấp...