Ngày 28 và 29/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tiếp tục xét xử phiên tòa sơ thẩm sau 2 lần tạm hoãn đối với vụ việc 147 hộ dân tại 9 xã thuộc huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang khởi kiện UBND tỉnh Bắc Giang về việc ban hành Quyết định 35/QĐ-UBND ngày 25/1/2015 (Quyết định 35) liên quan đến việc cho thuê đất rừng. Đây được coi là một trong những vụ án hành chính lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung đơn kiện của 147 hộ dân, Quyết định 35/QĐ – UBND ngày 27/1/2015 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc cho Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Yên Thế thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp tại huyện Yên Thế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân. Bởi diện tích hơn 1.800 ha mà Công ty được UBND tỉnh cho thuê có sự chồng lấn lên diện tích đất thuộc quyền sử dụng của các hộ dân này.
Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khởi kiện, tại phiên tòa, Luật sư Vũ Văn Thiệu - Công ty Luật hợp danh INCIP, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rẳng: Quyết định 35 khi ban hành đã vi phạm quy định về trình tự, thủ tục bởi theo Điều 53 Luật Đất đai 2013 về giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác thì trước khi cho thuê UBND tỉnh Bắc Giang phải thực hiện thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang - người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Diện tích đất cho thuê tại Quyết định 35 vốn nằm trong 15.755 ha đất được giao cho lâm trường Yên Thế từ năm 1963 quản lý và sử dụng liên tục nhưng không có sơ đồ, vị trí cụ thể. Vì thế, khi UBND tỉnh Bắc Giang cho Công ty thuê đất thực chất là chuyển từ hình thức giao đất sang cho thuê đất nên không cần phải qua các bước thu hồi và đền bù.
Cũng theo ông Ngô Văn Xuyên, “sổ xanh” của người dân ở huyện Yên Thế được cấp không phải là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì không theo mẫu như Luật Đất đai quy định.
Đại diện UBND huyện Yên Thế cũng khẳng định, cuốn “sổ xanh” cấp năm 1993 không có giá trị và cần thu hồi.
Tranh luận tại phiên tòa, luật sư Vũ Văn Thiệu viện dẫn: Căn cứ vào Luật Đất đai, Quyết định số 184/HĐBT ngày 6/11/1982, Quyết định số 327/HĐBT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Quyết định số 678/UB của UBND tỉnh Hà Bắc (cũ) ngày 21/9/1988, năm 1993 UBND huyện Yên Thế cấp cho các hộ dân giấy chứng nhận quyền quản lý kinh doanh rừng và đất rừng tới các hộ dân.
Trong giấy chứng nhận này, ghi rõ diện tích, vị trí lô, khoảnh và kèm theo sơ đồ rừng và đất lâm nghiệp chỉ rõ ranh giới, mốc giới. Vì thế, "sổ xanh" được UBND huyện Yên Thế cấp đúng thẩm quyền, giao đúng đối tượng là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, có giá trị pháp lý, là quyền tài sản thuộc sở hữu các hộ dân được giao.
Cuối phiên xét xử ngày 29/11/2018, do việc UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật của Công ty tại Quyết định số 745 trong đó xác định rõ vị trí, ranh giới của bản đồ cần có thêm chứng cứ, tuy nhiên phía người bị kiện cũng như Công ty đều không xuất trình được tài liệu, tờ bản đồ, ranh giới, đại diện Viện kiểm sát yêu cầu tạm hoãn phiên tòa để có thêm thời gian cung cấp những tài liệu này. Viện kiểm sát cũng yêu cầu tòa triệu tập thêm một số nhân chứng có liên quan.
Theo yêu cầu của Viện kiểm sát, hội đồng xét xử đã quyết định tiếp tục hoãn phiên tòa. Phiên tòa sơ thẩm sẽ được mở lại vào ngày 17/12/2018.
Trước đó, do chưa triệu tập đầy đủ được các bên liên quan và chưa đủ chứng cứ xác định tính pháp lý của cuốn "sổ xanh" nói trên, các phiên xét xử diễn ra vào ngày 16/10/2018 cũng như 1/11/2018 đã được tạm dừng để tiếp tục điều tra và thu thập thêm những bằng chứng cần thiết.