Những cây gỗ rừng không bị đổ do bão vẫn bị chặt hạ. Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Khu rừng được phép tận thu khai thác cây rừng trồng bị gãy, đổ thuộc tiểu khu V9.2 (thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa). Đây chủ yếu là cây dầu rái, sao đen đã hơn 24 năm tuổi với diện tích 83,4 ha.
Cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm ngoái đã gây thiệt hại cây rừng của tiểu khu V 9.2 từ 5% đến 10%. Căn cứ các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu rừng này được cho phép tận thu, phát dọn thực bì để phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa tổ chức phát dọn, tận thu gỗ rừng khi chưa được hoàn tất các thủ tục. Đồng thời, Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa chưa phối hợp với Kiểm lâm huyện Tây Hòa trong quá trình tận thu gỗ.
Ngoài ra, theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa, có khoảng 300 cây được tận thu với sản lượng gỗ, củi hơn 45 m3. Thế nhưng, khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên kiểm tra thực tế số lượng gỗ, củi tại bãi tập kết thì chỉ còn rất ít.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên đã thành lập đoàn tiến hành kiểm tra; nếu phát hiện việc lợi dụng tận thu gỗ rừng sau bão số 12 để trục lợi thì sẽ cương quyết xử lý.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: “Sở đang chỉ đạo cho Hạt kiểm lâm huyện Tây Hòa kiểm đếm; Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa có báo cáo về việc tận thu gỗ rừng sau bão. Trên cơ sở này sẽ xác minh làm rõ. Nếu thấy nghiêm trọng thì sẽ tùy theo mức độ để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Hiện nay, tỉnh Phú Yên còn rất nhiều diện tích rừng thiệt hại trong cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017 đến nay chưa khai thác tận thu. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và địa phương cần quản lý chặt chẽ, kiểm tra quy trình thực hiện để tránh xảy ra việc lợi dụng để khai thác cả những cây rừng không bị gãy đổ, nhất là những loại cây có giá trị kinh tế cao.