Năm 2012, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai thực hiện một số chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp lỗ nhiều năm liền; việc kê khai thuế của các chi nhánh thuộc tỉnh khác hoạt động trên địa bàn; kiểm tra các cơ sở thuộc ngành thương mại, dịch vụ, ăn uống, các hoạt động giải trí cao cấp kê khai lỗ; các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng số thuế nộp không tương xứng.
Thất thu thuế và tăng nhập siêu
Theo nhận định của Cục Thuế thành phố, hiện nay tình trạng chuyển giá xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại thành phố, chủ yếu là các ngành sản xuất gia công hàng xuất khẩu như may mặc, túi xách, da giầy. Các DN này đã báo cáo thua lỗ liên tục qua nhiều năm, kéo dài trong thời gian qua, thậm chí một số doanh nghiệp có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh gấp hai, ba lần so với ban đầu. Đây là một dấu hiệu không bình thường của các nhà đầu tư.
Người dân nộp thuế tại Kho bạc Nhà nước Quận 1 (HCM). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN |
Thực tế cho thấy dấu hiệu chuyển giá khá phổ biến là định giá quá cao nguyên vật liệu mua vào, định giá quá thấp đối với hàng hóa bán ra trong các giao dịch liên kết nhằm chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất cao sang nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp để tránh thuế. Một số DN FDI nhập khẩu nguyên liệu máy móc đầu vào từ công ty mẹ ở mức giá cao. Sau đó, họ bán lại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cho công ty mẹ với giá thấp, với cách làm này các DN tránh phải nộp thuế TNDN tại Việt Nam. Cách chuyển giá này cũng làm mức nhập siêu tăng lên. Ngoài ra, công ty mẹ ở nước ngoài còn phân bổ chi phí phát sinh ở nước ngoài như quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu, phí lãi vay, bản quyền… cho công ty con ở Việt Nam. Đây là cơ sở để các DN báo cáo lỗ, mục đích là nhằm tối thiểu hóa việc phát sinh thu nhập chịu thuế ở Việt Nam.
Tình trạng này kéo dài không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước ta; tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng với DN khác; từng bước thôn tính các doanh nghiệp trong nước trong liên doanh liên kết; tăng nhập siêu và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn xã hội (do báo cáo lỗ nên tìm cách không nâng lương, thưởng cho công nhân, dẫn đến các cuộc đình công, bãi công).
Những giải pháp trước mắt và lâu dài
Trước thực trạng trên, Cục Thuế thành phố đã mời các đối tượng thuộc diện này đến trao đổi, xác định nguyên nhân thua lỗ, đấu tranh để đề nghị DN kê khai điều chỉnh đơn giá, điều chỉnh doanh thu. Mặt khác, ngành thuế đã xây dựng kế hoạch thanh tra, danh sách kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro, tập trung vào các doanh nghiệp thường xuyên kê khai lỗ, không phát sinh số thuế phải nộp, xin hoàn thuế giá trị gia tăng với số thuế lớn, số lỗ lũy kế quá số vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, các DN chuyển giá thông qua việc kinh doanh mua bán hàng hóa dịch vụ với công ty liên kết…
Bằng việc nghiên cứu phân tích kỹ hồ sơ trước và trong thời gian thanh tra, đầy đủ các cơ sở pháp lý theo quy định, thu thập chứng cứ và đối chiếu xác minh rõ ràng, qua đấu tranh kiên quyết, triệt để với những DN có hoạt động chuyển giá, bước đầu ngành thuế đã truy thu, phạt thuế một số DN: Năm 2010 thanh tra 90 DN, kết quả tổng số giảm lỗ là 1.637 tỷ đồng, truy thu và phạt số tiền 360,9 tỷ đồng. 11 tháng năm 2011, thanh tra 203 doanh nghiệp, kết quả điều chỉnh giảm lỗ là 1.784 tỷ đồng, truy thu và phạt 1.079 tỷ đồng… Hơn thế nữa, việc tập trung thanh tra các DN kê khai lỗ bước đầu đã có tác dụng, đánh động đến các DN thường xuyên khai lỗ. Một số trường hợp DN đã điều chỉnh lại giá bán, giá gia công sau khi thanh tra.
Từ những kết quả bước đầu này, ngành thuế thành phố đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, đồng thời đang tích cực làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ của cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế nhằm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Nhà nước cần luật hóa công tác chống chuyển giá; cần thiết ban hành quy định thành chính sách đối với các trường hợp có quan hệ kinh doanh liên kết sau một thời gian nhất định không tự điều chỉnh hoặc không phát sinh thu nhập tính thuế trong thời gian 3 năm từ khi thành lập, sẽ phải nộp theo một tỷ lệ nhất định như đối với thuế nhà thầu; Bộ Tài chính cần thành lập hệ thống chỉ đạo công tác chống chuyển giá xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương…
Trước mắt, Cục Thuế thành phố đã đề nghị Tổng cục Thuế nên tổ chức bộ phận chuyên môn về công tác chống chuyển giá; tăng cường công tác thông tin; trực tiếp tổ chức thanh tra chống chuyển giá và đúc kết phổ biến kinh nghiệm trên cả nước; tổ chức đào tạo nghiệp vụ về công tác đấu tranh chống chuyển giá chuyên sâu.
Hà Huy Hiệp