Trong các nội dung cung cấp cho báo chí, đáng chú ý, Công an tỉnh Lâm Đồng đã thông tin chi tiết về vụ việc nhóm hoạt động tôn giáo trái phép mang tên “Trừ quỷ Bảo Lộc” với chiêu trò khám, chữa bệnh phản khoa học, mê tín dị đoan, gây hoang mang cho người dân trên địa bàn và các biện pháp ngăn chặn.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Thống, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an đã tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xử lý, giải quyết, vận động các chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo tham gia đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, đồng thời, thường xuyên vận động các đối tượng cầm đầu, cốt cán của nhóm từ bỏ hoạt động.
Tuy nhiên, các đối tượng của nhóm vẫn không từ bỏ, lén lút hoạt động, tiếp tục có các video đăng tải trên YouTube về hoạt động "trừ quỷ”, chữa bệnh bằng phương pháp phản khoa học. Đặc biệt, các đối tượng cầm đầu, cốt cán còn lên kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm gây áp lực, buộc Giáo hội lên tiếng về vấn đề “trừ quỷ” và công nhận các hoạt động của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc”.
Để ngăn chặn các hành vi sai trái trên, Công an tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng như Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo và các địa phương liên quan phối hợp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động sai phạm của nhóm; làm tốt công tác tuyền truyền, vận động chức sắc, chức việc và nhân dân, nhất là đồng bào Công giáo trong và ngoài địa phương hiểu rõ bản chất thật của nhóm.
Qua công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng Công giáo để hành nghề mê tín dị đoan và triển khai công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng Công an đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ các chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo trong và ngoài địa phương, không bao che, chấp nhận hoạt động vi phạm pháp luật, đi ngược lại với giáo lý, giáo luật. Đặc biệt, Công an đã nhận được nhiều đơn thư đề nghị chính quyền xử lý nghiêm hoạt động vi phạm pháp luật của nhóm.
Lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiếp tục thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ về hoạt động sai phạm và sẽ tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, không loại trừ khả năng xử lý mạnh tay bằng pháp luật nếu các hoạt động này không được chấm dứt, các đối tượng không tự giải tán nhóm.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc” bắt đầu xuất hiện vào khoảng cuối năm 2012 tại thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Ban đầu, nhóm này lập ra nhóm “Bầu khấn”, sinh hoạt tại nhà riêng của vợ chồng Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1975) và Trần Vũ Lê Thanh Quảng (sinh năm 1974) ở Phường 1, thành phố Bảo Lộc, với nội dung hoạt động thông qua cầu nguyện, nước thánh để khấn cho các gia đình hiếm muộn có con. Sau đó, hoạt động này được sự tiếp tay của Linh mục Nguyễn Chu Truyền, quản Hạt Bảo Lộc từ tháng 8/2015.
Từ thời gian đó đến nay, nhóm này liên tục có các hoạt động lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan như “chữa bệnh, trừ quỷ, đuổi tà”… Do có những hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt, tham mưu cho chính quyền địa phương xử phạt các thành viên của nhóm này 4 lần với số tiền tổng cộng 65 triệu đồng.
Tòa Giám mục Đà Lạt đã nhiều lần đưa ra các hình thức xử lý. Cụ thể, ngày 7/4/2018, Tòa Giám mục Đà Lạt ra văn bản được xem như Thông báo nhắc nhở lần 1, nêu lên các quy định của Hội Thánh về việc trừ quỷ, về người được phép trừ quỷ; ngày 6/6/2020, Tòa Giám mục Đà Lạt ra văn bản được xem như Thông báo nhắc nhở lần 2, nội dung nêu các vấn đề sai phạm trong việc trừ quỷ, giải thích kinh thánh và lệch lạc trong giáo lý, đức tin, bất vâng phục Giáo quyền của các đối tượng trong nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc”.
Sau đó, Tòa Giám mục Đà Lạt đã tiếp tục có các thông báo về việc áp dụng vạ cấm chế đối với chị Têrêsa Nguyễn Thị Thương; thông báo về việc áp dụng vạ huyền chức đối với Linh mục Đa Minh Nguyễn Chu Truyền. Ngày 23/3/2022, Tòa Giám mục Đà Lạt đã ra Thông báo về việc ra “tối hậu thư” yêu cầu Linh mục Nguyễn Chu Truyền phải rời khỏi nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc”, không được chữa bệnh trừ quỷ, phải trở về Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn.
Trường hợp Linh mục Nguyễn Chu Truyền không vâng phục và muốn tự do sống theo ý riêng có thể làm đơn xin giải bậc giáo sĩ (hồi tục), nếu không, Giáo phận sẽ áp dụng thêm các biện pháp theo giáo luật và không loại trừ việc “giải bậc giáo sĩ”. Đặc biệt, từ ngày 25 - 29/4/2022, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2022 tại Giáo phận Thái Bình và đã có biên bản Hội nghị với nhiều nội dung thảo luận, trong đó có nội dung “Trao cho Ủy ban Giáo lý Đức tin soạn thảo Thông cáo về nhóm Trừ quỷ Bảo Lộc” đến toàn bộ cộng đồng dân Chúa trên cả nước…