Thanh tra toàn diện vụ mất 53 ha rừng tại Đắk Nông

Ông Lê Văn Vui thừa nhận, việc rừng bị tàn phá với diện tích khá lớn (trên 53ha theo Kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi Trường Đắk Nông) và Hợp tác xã phải chịu trách nhiệm đầu tiên với tư cách là đơn vị chủ rừng, đơn vị được cho thuê đất rừng.

Liên quan đến những sai phạm, bất cập trong việc quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp trên diện tích đất, rừng đã được giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông), ông Lê Văn Vui, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến cho rằng, việc phân giới, cắm mốc rõ ràng trên thực địa và xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất trái phép là điều kiện tiên quyết đơn vị cần để triển khai dự án.

Trên thực tế, sau hơn 18 tháng kể từ khi có quyết định giao đất của UBND tỉnh Đắk Nông, đến nay, Hợp tác xã Hợp Tiến vẫn chưa xác định được ranh giới rõ ràng trên thực địa đâu là đất được giao cho hợp tác xã, đâu là đất các hộ dân lấn chiếm và đang canh tác. Do đó, việc quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các nhiệm vụ khác của hợp tác xã gần như “dậm chân tại chỗ”, trong khi rừng bị tàn phá với diện tích, quy mô ngày càng lớn (như TTXVN đã thông tin vào các ngày 11 - 13/9). Ông Lê Văn Vui thừa nhận, việc rừng bị tàn phá với diện tích khá lớn (hơn 53ha theo Kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi Trường Đắk Nông) và Hợp tác xã phải chịu trách nhiệm đầu tiên với tư cách là đơn vị chủ rừng, đơn vị được cho thuê đất, rừng.

Rừng thuộc lâm phần do HTX Hợp Tiến quản lý bị phá trắng, đốt trụi để lấy đất sản xuất. Ảnh: TTXVN/phát

Hiện nay, tình trạng tranh chấp đất giữa Hợp tác xã với các hộ dân càng ngày càng phức tạp và đơn thư khiếu kiện vượt cấp ngày càng nhiều. Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường Đắk Nông xác định, trước thời điểm Hợp tác xã Hợp Tiến được cho thuê đất (ngày 3/2/2016), đã có 133 hộ dân gửi đơn vượt cấp đến Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan khác để kiến nghị giải quyết tranh chấp đất đai và vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Biên bản thu hồi, bàn giao đất trên thực địa do Sở Tài nguyên - Môi trường Đắk Nông chủ trì vào ngày 10/3/2016 cũng ghi nhận hiện trạng khu đất có nhiều biến động so với tờ bản đồ đi kèm quyết định giao đất. Tuy nhiên, việc bàn giao vẫn được tiến hành và ngành chức năng đã thu hồi 1.215 ha đất rừng của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn và giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến thuê. Việc xác định vị trí, tọa độ khu đất được tiến hành bằng máy định vị cầm tay với 7 điểm trên bản đồ chứ chưa xác định ranh giới cụ thể. Ông Lê Văn Vui, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến cho rằng, khi nhận bàn giao, đơn vị không ngờ rằng việc tranh chấp đất lại phức tạp đến như vậy. Nguyện vọng hiện nay của Hợp tác xã là các cơ quan chức năng hỗ trợ xác định rõ ràng ranh giới thực địa; xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép và hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trong vùng dự án tham gia, trở thành xã viên của Hợp tác xã.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc giao đất cho Hợp tác xã Hợp Tiến vào ngày 10/3/2016 có nhiều điểm chưa đúng so với quy định tại Thông tư số /2007/TT-BNN ngày 25/4/2007 hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông tư quy định rõ: “không giao, cho thuê những diện tích rừng đang có tranh chấp” và “việc giao, cho thuê rừng, thu hồi rừng phải có sự tham gia của người dân địa phương và phải công bố công khai”.

Liên quan đến việc xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp đất giữa Hợp tác xã Hợp Tiến với hơn 130 hộ dân, ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho biết, ngành chức năng của huyện đã tiến hành rà soát, kê khai diện tích, thực trạng cây cối, hoa màu của từng hộ dân. Hiện nay, UBND huyện Đắk G’long đề xuất bóc tách những diện tích người dân đã canh tác trước thời điểm tháng 7/2014 để người dân canh tác ổn định. Đối với các diện tích dân canh tác từ tháng 7/2014 - 2/2016, huyện đề xuất Hợp tác xã Hợp Tiến và các hộ dân thỏa thuận theo hướng kết nạp các hộ làm xã viên và cùng thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp, bảo vệ rừng. Riêng đối với diện tích đất bị xâm canh, lấn chiếm từ sau tháng 2/2016, huyện kiên quyết thu hồi để giao đất lại cho Hợp tác xã theo đúng các quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên ngày 19/9, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, việc xác định ranh giới cụ thể trên thực địa là rất cần thiết. Đây là trách nhiệm của các ngành tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, chính quyền địa phương, đơn vị được cấp đất và đơn vị bị thu hồi đất. Liên quan đến các sai phạm, khiếu nại liên quan đến dự án, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện dự án theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc thanh tra sẽ kiểm tra đầy đủ các thông tin phản ánh, đơn thư khiếu nại của người dân cũng như Hợp tác xã Hợp Tiến và các đơn vị liên quan. Ngành chức năng sẽ kết luận một số nội dung quan trọng như việc thẩm định hồ sơ, việc điều tra, khảo sát rừng, việc giao đất giao rừng… đã đúng các quy định của pháp luật hay chưa. Căn cứ trên kết quả thanh tra, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm minh, rõ ràng, đến nơi đến chốn các sai phạm, vi phạm của các bên liên quan, chấm dứt tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài liên quan đến dự án này.


Nhóm phóng viên (TTXVN)
Quảng Nam điều tra vụ phá rừng ở Tiên Lãnh
Quảng Nam điều tra vụ phá rừng ở Tiên Lãnh

Trước sự việc một số đối tượng phá rừng phòng hộ để khai thác gỗ, trồng keo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã cử đoàn cán bộ đến hiện trường để phối hợp điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng ở Tiên Lãnh, Tiên Phước, Quảng Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN