Vấn đề ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp tại TP Hồ Chí Minh trên cả 3 bình diện là đối tượng nghiện mới, phát triển sản xuất ma túy và quản lý đối tượng sau cai. Năm 2012, trên địa bàn thành phố xảy ra 535 vụ liên quan ma túy tổng hợp, tăng 181 vụ và có 1.232 đối tượng, tăng 25%. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình điều trị methadone, naltrexone, thành phố sẽ thí điểm mô hình chống tái nghiện theo hình thức nhóm địa bàn; đồng thời hoàn thiện nhiều chính sách hỗ trợ giúp người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.
Đây là thông tin được ông Lê Trọng Sang - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh tại hội thảo: “Đánh giá thực trạng tái sử dụng ma túy và đề xuất giải pháp tăng cường phòng, chống tái nghiện cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng” do Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/3.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phòng Chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm thành phố giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho khoảng 3.000 người nghiện. Tỷ lệ tái nghiện có chiều hướng gia tăng hàng năm, năm 2010 có 87 người, năm 2011 là 262 người và năm 2012 là 304 người, nâng tổng số người tái nghiện hiện nay là 4 người, chiếm tỷ lệ 19,% trên tổng số người sau cai nghiện trở về địa phương. Trong năm 2012, các quận huyện đã đưa 5.088 đối tượng vi phạm vào cơ sở chữa bệnh, tăng 18,35% so với cùng kỳ năm 2011.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghiện tăng cao như do bạn rủ rê, không có việc làm ổn định, bị kỳ thị và thiếu sự tin tưởng của gia đình. Một số ý kiến cho rằng, trước nhất người cai nghiện cần phấn đấu, nỗ lực rèn luyện bản thân, tham gia các chương trình văn hóa, học nghề, sinh hoạt đội nhóm, các câu lạc bộ để nhanh chóng ổn định tâm lý, tái hòa nhập cộng đồng. Người sau cai cần sự chia sẻ, hỗ trợ thực sự từ gia đình và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện cho người sau cai nghiện vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định thu nhập.
Một số đại biểu đề nghị, cần rà soát, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ về công tác tư vấn, điều trị cho người sau cai nghiện tại các trung tâm; tăng cường sự gắn kết giữa các đơn vị quản lý đối tượng với chính quyền địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Thành phố cần tiếp tục khảo sát sâu sát thực tình hình tại các quận huyện, từng gia đình người sau cai nghiện để nắm bắt tâm tư của họ. Cả hệ thống chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để công tác phòng chống tái nghiện đạt hiệu quả cao hơn.
Trần Xuân Tình