Thực hiện cấp đổi Giấp phép lái xe cho người dân, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã phát hiện và thu giữ hơn 530 Giấy phép lái xe mô tô giả.
Thoáng nhìn Giấy phép lái xe mô tô giả, người bình thường khó có thể phân biệt được bởi chúng được sao y màu chữ ký và dấu rất tinh vi, hoàn toàn giống Giấy phép lái xe thật.
Đơn cử như trường hợp Phạm Thị Bích Vân trú tại 89 Trần Phú, thành phố Pleiku, sau hơn 3 năm đối tượng sử dụng Giấy phép lái xe giả để lưu thông, đến thời điểm này ngành chức năng mới phát hiện, thu giữ và xử lý theo qui định.
Thực trạng này cho thấy còn rất nhiều Giấy phép lái xe mô tô giả trên địa bàn chưa được phát hiện, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và mất an toàn cho xã hội.
Ông Tăng Xuân Kiên, Trưởng phòng Quản lý phương tiện người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết: Ngành chức năng chưa phát hiện cơ sở nào trên địa bàn tỉnh làm giả Giấy phép lái xe mô tô. Chủ yếu các Giấy phép lái xe mô tô giả được làm từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Những người sử dụng Giấy phép lái xe mô tô giả chưa qua đào tạo, sát hạch bài bản nên hiểu biết về luật giao thông còn nhiều hạn chế và đây cũng là những đối tượng có nguy cơ cao gây tai nạn khi tham gia giao thông.
Huyện Kbang là địa phương có số lượng Giấy phép lái xe mô tô giả được phát hiện cao nhất tỉnh với gần 400 trường hợp. Theo Đại úy Đinh Khánh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Công an huyện Kbang, qua công tác tuần tra kiểm soát đã phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng Giấy phép lái xe giả.
Đa số những người sử dụng Giấy phép lái xe giả cho biết, họ nhờ người quen làm hồ sơ hoặc mua ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nên gây ra nhiều khó khăn trong công tác xử lý.
Theo qui định, những người sử dụng Giấy phép lái xe giả sau khi bị xử lý phải 5 năm sau mới được cấp lại giấy phép lái xe. Qui định này đang tạo ra một thực tế khó đối với các địa phương trong công tác quản lý, chấn chỉnh tình trạng sử dụng Giấy phép lái xe giả cũng như giải quyết nhu cầu đi lại của những người vi phạm.