Thu hồi nợ đọng ngành hải quan: Đang gỡ dần nút thắt

Theo đánh giá của ngành Hải quan, những năm trở lại đây, nợ thuế của toàn ngành tuy đã giảm cả về tỷ lệ và số tuyệt đối, nhưng nợ khó thu hồi lại đang chiếm tỷ trọng cao. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý thuế còn thiếu, chưa đồng bộ, thông tin vẫn chủ yếu dựa vào nguồn doanh nghiệp khai báo, độ tin cậy chưa cao, nhiều thông tin dữ liệu chưa được cập nhật kịp thời, mang tính chiếu lệ... gây khó khăn cho ngành Hải Quan khi thu hồi nợ.

Nợ khó đòi vẫn chiếm tỷ trọng cao

Tại hội nghị chuyên đề về chống thất thu ngân sách ngành Hải quan, nhiều đại biểu cho rằng, cơ bản, công tác quản lý nợ thuế trong ngành ngày càng chuyên sâu, tỷ trọng nợ so với tổng thu giảm. Cụ thể, năm 2002, tổng thu ngân sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) là 37.221 tỷ đồng, tỷ trọng nợ thuế/số thu là 12,65%. Năm 2011, tổng thu ngân sách đối với hàng hóa XNK là 216.874 tỷ đồng, tỷ trọng nợ so với tổng thu giảm còn 2,25%. Tuy nhiên, trên thực tế, nợ khó thu hồi đang chiếm tỷ trọng cao. Theo báo cáo của ngành Hải quan, số nợ phát sinh từ năm 1987 đến trước ngày 1/7/2007 (ngày thực hiện Luật quản lý Thuế) của doanh nghiệp giải thể, không địa chỉ chiếm khoảng 12,78%/tổng số nợ, từ 1/7/2007 trở đi chiếm khoảng 2,94%/tổng số nợ.

Trăn trở về vấn đề này, ông Đặng Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Long Bình Tân, Cục Hải quan Đồng Nai cho biết, là một trong những đơn vị mà số doanh nghiệp có hoạt động XNK ổn định chỉ chiếm khoảng 10-20%, việc quản lý nói chung và công tác quản lý nợ thuế nói riêng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, những doanh nghiệp phát sinh nợ đóng trên địa bàn, cán bộ ở chi cục còn có thể rà soát và thường xuyên có biện pháp đôn đốc kịp thời, nhưng với những trường hợp doanh nghiệp ngoài Bắc biện pháp này xem chừng không hiệu quả. Ngoài ra, ông Quang cũng nhấn mạnh tới việc doanh nghiệp sử dụng những chiêu lách thuế tinh vi: Chia nhỏ sản phẩm và nhập hàng ở các chi cục khác nhau để về lắp ráp thành sản phẩm, trên thực tế vẫn là nhập nguyên chiếc.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trung bình hàng năm có khoảng 10.000 mẫu được phân tích, phân loại trong đó mẫu khai báo đúng khoảng 47%; sai là 53%; giảm thuế là 7,4%. Nhiều trường hợp khai báo hàng hóa thiết bị đồng bộ, nhưng thực tế hàng lại không đúng như quy định. Một số trường hợp khi khai báo hàng hóa linh kiện rời nhưng lại nhập khẩu đầy đủ linh kiện thành nhiều lô, nhiều chuyến, nhiều cửa khẩu do các đơn vị khác nhau nhập khẩu để tránh bị phân loại theo nguyên chiếc.

Một khó khăn nữa mà nhiều chi cục địa phương đang gặp phải chính là tình trạng chuyển đổi chủ sở hữu của những doanh nghiệp nợ thuế và bỏ trốn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khi đứng trước bờ vực phá sản, máy móc, thiết bị chưa hết thời gian khấu hao cũng đã chuyển bán cho doanh nghiệp khác. Do vậy, ngành Hải quan cũng khó thu hồi được nợ thuế. Đối với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng làm ăn thua lỗ dẫn tới mất khả năng chi trả, khi đó quyền giám sát quản lý tài sản lại thuộc về ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, một số cục Hải quan địa phương cũng cho rằng, quy định về thời hạn nộp thuế giúp doanh nghiệp chủ động và linh hoạt sử dụng các luồng tiền để nộp thuế, nhưng do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp nên ngay cả những doanh nghiệp không thường xuyên thực hiện XNK lợi dụng quy định này để chây ỳ nợ thuế, bỏ trốn hoặc tự giải thể gây thất thu cho NSNN. Ngoài ra, quy định thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt tại điều 45 Luật quản lý thuế chưa phù hợp với thực tế quản lý hải quan. Cụ thể, như quy định đối với tiền nợ thuế nếu quá hạn trên 90 ngày thuộc đối tượng cưỡng chế, chưa quá hạn trên 90 ngày chưa thực hiệu cưỡng chế, do vậy không nâng cao hiệu quả quản lý nợ thu hồi trước những khoản nợ quá hạn nhằm giảm nợ xấu và giảm thiểu các vụ việc phải cưỡng chế.

Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý

Để giải quyết tình trạng nợ đọng thuế, chây ỳ thuế, nhiều Cục Hải quan địa phương đã đưa ra kiến nghị trình sửa Luật quản lý thuế theo hướng hàng hóa XNK phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Trường hợp người nộp thuế chưa nộp thuế, nhưng có bảo lãnh của tổ chức tín dụng thì được thông quan nhưng phải trả lãi chậm nộp để hạn chế tình trạng nợ đọng thuế như thời gian qua. Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng sẽ chủ trương trình sửa Luật Hải quan, Luật quản lý thuế theo hướng bổ sung các quy định về phân loại hàng hóa, xác định trị giá trước khi làm thủ tục hải quan nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận, trốn thuế qua phân loại mã số, xác định trị giá, xuất xứ. Ngành Hải quan tiếp tục phát triển các phần mềm ứng dụng để liên kết thông tin trong hệ thống dữ liệu giá, mã, xuất xứ… tiến tới thức hiện phân loại hàng hóa, xác định mức thuế tự động.

Hải Yến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN