Thủ tục cần thiết khi sang tên đổi chủ phương tiện

Theo Quy định về đăng ký xe của Bộ Công an có nêu rõ: Đối với trường hợp đăng ký, sang tên xe trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cần 6 loại giấy tờ. Với trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cần phải có 4 loại giấy tờ.
 
Chuyện người dân đi xe mượn, thuê ra đường trước mắt sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, với những trường hợp chưa sang tên đổi chủ đúng quy định, nếu lực lượng tuần tra phát hiện ra, sẽ vẫn bị xử phạt theo đúng quy định của Nghị định 71. Bên cạnh việc một bộ phận người dân “ngại” làm thủ tục sang tên đổi chủ khi cho, bán xe, thì cũng có không ít người quan tâm đến vấn đề thủ tục và quy trình chuyển đổi. Dưới đây, Báo CAND xin trích dẫn một số hướng dẫn, để giúp người dân hiểu rõ hơn về quy định này.
 
Đăng ký, sang tên, di chuyển xe cần những thủ tục, giấy tờ gì?
 
Điều 8, mục B, Thông tư 36 (Quy định về đăng ký xe) của Bộ Công an có nêu rõ: Đối với trường hợp đăng ký, sang tên xe trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cần 6 loại giấy tờ. Đó là chủ xe phải xuất trình giấy tờ như chứng minh nhân dân, hoặc sổ hộ khẩu, hoặc giấy xác nhận của cơ quan, đoàn thể nơi công tác; giấy khai đăng ký xe; giấy chứng nhận đăng ký xe; chứng từ chuyển nhượng xe; chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định; đăng ký sang tên thì giữ nguyên biển số cũ (trừ biển loại 3 số hoặc 4 số thì cấp đổi sang 5 số theo quy định) và cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe mới.
 

Lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt người vi phạm trật tự an toàn giao thông.

 

Trong trường hợp đăng ký xe sang tên, di chuyển xe từ tỉnh khác chuyển đến thì phải cần các giấy tờ sau: Chủ xe phải xuất trình giấy tờ quy định như chứng minh nhân dân, hoặc sổ hộ khẩu, hoặc giấy xác nhận của cơ quan đơn vị nơi công tác…; giấy khai đăng ký xe; chứng từ lệ phí trước bạ; giấy khai sang tên và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển nhượng quy định và hồ sơ gốc của xe theo quy định.

 

Trong trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cần phải có 4 loại giấy tờ gồm: Người mua hoặc người bán xe phải xuất trình giấy tờ quy định (không phải đưa xe đến kiểm tra); giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe; hai giấy khai sang tên di chuyển; chứng từ chuyển nhượng xe theo quy định. Trong trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc số hộ khẩu thay đổi cho chứng từ chuyển nhượng xe.

 

Thuế và lệ phí người dân phải đóng khi sang tên đổi chủ xe máy và ôtô

 

Theo quy định, người dân sẽ phải đóng thuế trước bạ và lệ phí sang tên đổi chủ. Cụ thể, thuế trước bạ: Đối với ôtô là 12% theo giá trị còn lại của xe (giá trị này do Chi cục Thuế thẩm định). Đối với xe máy là 1% giá trị còn lại của xe. Lệ phí sang tên đổi chủ: Đối với môtô, xe máy có biển từ 4 số đổi lên 5 số, phí là 50.000đ/lần; trong đó đối với việc sang tên đổi chủ xe biển 5 số sang biển 5 số khác, phí là 30.000đ. Đối với ôtô sang tên đổi chủ từ biển 4 số lên 5 số là 150.000đ; sang tên đối với ôtô đã có biển 5 số là 30.000đ.

 

Làm thủ tục đăng ký xe tại Phòng CSGT Công an Hà Nội.

 

Bên cạnh việc các thủ tục sang tên đổi chủ, Nghị định 71 cũng quy định rõ: đối với người không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ chịu mức phạt hành chính là, phạt từ 800.000đ đến 1,2 triệu đồng đối với chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự môtô. Phạt tiền từ 6 triệu đến 10 triệu đối với chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô. Trước đây, theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định chỉ bị phạt từ 100.000-200.000đ (đối với xe máy) và từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với ôtô.

 

Theo thống kê từ Phòng CSGT Hà Nội: Trong năm 2012, đơn vị làm thủ tục sang tên đổi chủ cho 10.5 trường hợp, trong đó sang tên trong Thủ đô là 6.255 trường hợp, di chuyển đi tỉnh ngoài 4.130 trường hợp. Thực hiện Nghị định 34, Phòng CSGT đã phạt 650 trường hợp sang tên chậm hoặc không sang tên đổi chủ. Ngoài ra, Phòng CSGT cũng đã sang tên đổi chủ được gần 2.000 trường hợp, trong đó có 583 trường hợp sang tên trong Thủ đô; 1.096 trường hợp sang tên chuyển chủ ra ngoài tỉnh.

 

Điều 6, Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an quy định:

 

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đăng ký xe; có hồ sơ xe theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe và hồ sơ đăng ký xe; đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra và nộp lệ phí đăng ký, cấp biển số xe theo quy định.

 

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển, thay đổi địa chỉ hoặc bán, cho, tặng xe, tổ chức, cá nhân bán, cho, tặng, điều chuyển phải gửi thông báo theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan đang quản lý hồ sơ xe đó để theo dõi; trường hợp sang tên môtô khác huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đến cơ quan đăng ký xe nơi chủ xe cư trú hoặc có trụ sở để làm thủ tục sang tên xe.

 

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.

 

4. Nghiêm cấm mọi hành vi giả mạo hồ sơ, đục xóa số máy, số khung để đăng ký xe.

 
 
 
Theo cand.com.vn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN