Thế nhưng, việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ vùng cao đang gặp nhiều khó khăn.
Chúng tôi có mặt tại chợ phiên thị trấn Đồng Văn, phiên chợ diễn ra vào chủ nhật hàng tuần, khi đi ngang qua các sạp tạp hóa của người dân địa phương, ngoài các mặt hàng tạp hóa, xen lẫn trong đó là những gói có màu sắc đỏ, vàng, xanh in hình chữ Trung Quốc được bày bán. Khi có sự xuất hiện của lực lượng quản lý thị trường (QLTT), những người bán hàng này vội vàng cất giấu.
Ông Cao Trung Thiệp, Đội trưởng Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho biết, những gói đó là thuốc bảo vệ thực vật, bằng mọi cách, người dân địa phương đã đem từ nước ngoài về và mang ra chợ bán kiếm lời. Bày bán thuốc xen lẫn với các hàng hóa khác, khi có sự xuất hiện của lực lượng quản lý thị trường họ nhanh chóng tẩu tán, cất giấu. Do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, đa số là dân nghèo, cùng với việc mua bán nhỏ lẻ nên việc xử lý hành chính rất khó.
Theo ông Thiệp, trong quá trình nắm bắt, kiểm tra kiểm soát, thu giữ, lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, tình trạng bán chui thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra tại hầu hết các chợ phiên vùng cao Hà Giang.
Tương tự, tại chợ phiên huyện Mèo Vạc, rất nhiều gói thuốc bảo vệ thực vật được bày bán tràn lan. Xen lẫn với các sạp hàng tạp hóa, ngay cả những sạp hàng bán quần áo cũng được bày bán thuốc bảo vệ thực vật. Do đang vào vụ gieo trồng ngô nên “thị trường” thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ phiên vùng cao có vẻ sôi động hơn, số lượng vì thế cũng nhiều hơn. Không chỉ có thuốc bảo vệ thực vật, ngay cả thuốc tân dược không có nguồn gốc xuất xứ cũng được bày bán công khai.
Ông Cao Trung Thiệp cho biết, Đội quản lý thị trường số 6, thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang hiện có 8 người, quản lý 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Lực lượng quản lý thị trường mỏng, địa bàn rộng với 37 xã và 3 thị trấn, chợ phiên tại các xã và huyện rất nhiều nên khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và quả lý mặt hàng này.
Tính riêng trong năm 2020, Đội quản lý thị trường số 6, đơn vị phụ trách hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, kiểm tra và tịch thu 128 kg thuốc tân dược dạng bột, dạng nước; 6 kg thuốc bảo vệ thực vật dạng bột và dạng nước, cùng nhiều mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Mới đây nhất, hôm 14/3/3021, Đội quản lý thị trường số 6, Cục quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, trong lúc kiểm tra tại chợ trung tâm thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc đã phát hiện và thu giữ hơn 100 kg thuốc bảo vệ thực vật và thuốc tân dược; trong đó có 98 kg thuốc bảo vệ thực vật và 13 kg thuốc tân dược, tất cả đều không có nguồn gốc xuất xứ.
Ông Vũ Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang có 11 huyện, thành phố với gần 300 km đường biên giới. Hiện lực lượng quản lý thị thường tại mỗi huyện chỉ khoảng từ 4 - 5 người, phương tiện, trụ sở làm việc thiếu và xuống cấp. Đặc biệt, việc thu giữ thuốc bảo vệ thực vật phải có kho tạm giữ riêng, tuy nhiên hầu hết tại các huyện đều không có kho tạm giữ thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của cán bộ, kiểm soát viên quản lý thị trường.
Do ham rẻ, thiếu hiểu biết, các phiên chợ vùng cao tại Hà Giang đang ngày càng xuất hiện nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí thuốc tân dược không có nguồn gốc cũng được bày bán công khai. Để ngăn chặn người dân bán thuốc bảo vệ thực vật cũng như thuốc tân dược tràn lan, rất cần có sự vào cuộc của các ấp ủy, chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giúp người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người và môi trường.