Huyện biên giới Ia Grai - nơi có hệ thống sông, suối với diện tích mặt nước lớn. Đặc biệt, nơi đây có hệ thống sông Sê San, lòng hồ Sê San 4 chảy giữa 2 huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) và huyện Ia H’drai (tỉnh Kon Tum). Bên cạnh đó, nhiều khu vực nương rẫy của người dân các xã như Ia O, Ia Khai, Ia Grăng… cũng bị hệ thống lòng hồ, sông Sê San chia cắt. Vì vậy, ở đây có lượng phương tiện giao thông đường thủy nội địa chiếm số lượng lớn. Hầu hết các phương tiện này do người dân tự đóng, các điều kiện về an toàn kỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn đều không được đảm bảo.
Ông Rơ Mah Thảo, ở xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: "Gia đình tôi có thuyền đóng bằng sắt, chủ yếu sử dụng cho gia đình chở nông sản và đưa bà con trong làng đi làm nương rẫy thuê đất ở bên kia lòng hồ thuộc tỉnh Kon Tum. Thuyền của tôi chưa đạt tiêu chuẩn; chính quyền, cơ quan chức năng đã nhắc nhở, tôi sẽ cố gắng hạn chế chở nhiều người trên thuyền".
Theo thống kê của huyện Ia Grai, hiện trên địa bàn có khoảng 146 phương tiện đường thủy nội địa, chủ yếu tập trung tại 3 xã Ia Khai, Ia O và Ia Grăng. Các phương tiện này được sử dụng để đi lại, vận chuyển người, nông sản, đánh bắt cá và phục vụ cho việc đưa đón du khách tham quan khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4. Điều đáng quan ngại là hầu hết phương tiện đều được người dân mua sắm tự phát, không có thiết kế kỹ thuật và chưa được đăng kiểm, đăng ký.
Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: Qua ra soát, trên địa bàn xã có 23 tàu thuyền đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về kết cấu tàu thuyền, về kích cỡ là không được đầy đủ; thu nhập của người dân hiện còn khó khăn do đó không thể cải tạo tàu thuyền đạt tiêu chuẩn...
Để đảm bảo an toàn loại hình phương tiện giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã phối hợp cùng với Chi cục Đăng kiểm 4, phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ia Grai tiến hành kiểm tra, đo đạc thực tế các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn huyện Ia Grai. Qua kiểm tra, ngành chức năng xác nhận chỉ có khoảng 37 phương tiện thủy nội địa của người dân 2 xã Ia Khai và Ia O đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện phương tiện để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm lần đầu.
“Trong quá trình triển khai, chính quyền xã cũng đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Đăng kiểm 4 về đo đếm hiện trạng các phương tiện. Chi cục Đăng kiểm 4 đang thẩm định, trình lên cấp có thẩm quyền để xem xét cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện” - ông Siu Nghiệp cho biết thêm.
Được biết, đối với việc cấp giấy chứng nhận đăng kiểm lần đầu đã được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai phối hợp với Chi cục Đăng kiểm 4 thực hiện từ năm 2018. Vậy nhưng, việc thực hiện đăng kiểm, cấp giấy phép, chứng chỉ và đào tạo thuyền viên đến nay vẫn còn khá chậm. Hy vọng, trong thời gian tới, các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đẩy nhanh công tác đăng kiểm, đăng ký đối với loại hình phương tiện thủy nội địa để hoạt động đi lại của người dân, vận chuyển hành khách du lịch được thuận tiện, vừa đảm bảo an toàn, vừa quản lý được tốt hơn.