Như đã thành thông lệ, nhiều năm trở lại đây, mỗi dịp Quốc khánh 2/9, các cán bộ, chiến sỹ và phạm nhân tại trại giam Nam Hà (Kim Bảng, Hà Nam) lại nhộn nhịp chuẩn bị những công việc cần thiết cho ngày công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Các cán bộ, chiến sỹ thì bận rộn với việc triển khai phổ biến các quy định của pháp luật đến các phạm nhân về đặc xá. Phạm nhân thì hồi hộp, phấn khởi chờ xem mình có tên trong danh sách được tha tù trước thời hạn hay không.
Đại tá Dương Đức Thắng, Giám thị Trại giam Nam Hà cho biết, từ nhiều tháng trở lại đây, ngay khi có hướng dẫn của cấp trên và kế hoạch của Bộ Công an về đặc xá, Ban Giám thị Trại giam đã triển khai sâu rộng đến từng đơn vị các công việc cần thiết. Trong đó công việc tuyên truyền, phổ biến quyết định đặc xá của Chủ tịch nước được tiến hành từ trung tuần tháng 7/2011 tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ và phạm nhân. Đặc biệt, trại giam chú trọng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể phạm nhân để họ nhận thức đầy đủ hơn về các điều kiện, quy định, quy trình xét đặc xá năm 2011. Từ đó, tại mỗi phân trại giao trách nhiệm đến từng tổ, đội phạm nhân để giới thiệu, bỏ phiếu kín, lập danh sách những phạm nhân được xét đặc xá lần này. Cùng với đó, các cán bộ, chiến sỹ rà soát hồ sơ xem còn phạm nhân nào đủ điều kiện được xét mà chưa được giới thiệu để bổ sung kịp thời, tránh tình trạng bỏ sót, gây thiệt thòi cho phạm nhân...
Các cán bộ, chiến sỹ tại đây cho biết, các phạm nhân đều tỏ ra rất phấn khởi, vui mừng và nhận thức rõ được chính sách khoan hồng của Nhà nước, từ đó cải tạo tiến bộ và mong mỏi được rút ngắn án. Những chính sách khoan hồng của Nhà nước đã tác động tích cực đến tư tưởng của phạm nhân, từ đó họ ổn định, yên tâm cải tạo, lao động chờ đến ngày được đặc xá.
Giờ lao động của phạm nhân tại trại giam Nam Hà (Kim Bảng, Hà Nam). Ảnh: Trương Vị |
Trong nhiều năm trở lại đây, trại giam Nam Hà luôn được cấp trên khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc giáo dục, cải tạo phạm nhân. Minh chứng cụ thể nhất bằng việc trại được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ giáo dục và cải tạo hơn 2.000 phạm nhân, trong đó có nhiều phạm nhân phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm, trong đó có cả các phạm nhân tái phạm nhiều lần... Khi vào trại, mỗi phạm nhân đều có một hoàn cảnh, có người nhận thức được sai phạm của mình và yên tâm cải tạo. Nhưng cũng có phạm nhân chưa nhận thấy được lỗi lầm của mình, thường xuyên vi phạm kỷ luật trong trại và lôi kéo những phạm nhân khác tham gia. Khi gặp các trường hợp này, mỗi cán bộ, chiến sỹ tại trại giam luôn ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc cảm hoá, giáo dục, cải tạo phạm nhân, từ đó họ gần gũi chia sẻ những nỗi niềm của phạm nhân, dần dần khuyên bảo phạm nhân yên tâm cải tạo. Đại tá Dương Đức Thắng cho biết, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ phạm nhân cải tạo khá, tốt hàng năm đều đạt trên 70%, ngoài một số ít phạm nhân vi phạm nội quy của trại, thì không có trường hợp nào bỏ trốn. Dịp đặc xá này, trại giam Nam Hà có 110 phạm nhân được xét đề nghị đặc xá, được coi là một trong những đợt đặc xá lớn nhất tại trại trong những năm gần đây.
Khi nói đến cán bộ, chiến sỹ công tác tại trại giam, nhiều người tưởng rằng công việc của họ thường khô khan, nhàm chán và có một khoảng cách nhất định đối với những phạm nhân. Nhưng khi gặp những cán bộ, chiến sỹ công tác tại trại giam Nam Hà và nghe họ tâm sự, mới thấy hết được những cống hiến, hy sinh thầm lặng và sự gần gũi của họ đối với mỗi phạm nhân. Bởi theo nhiều cán bộ, chiến sỹ công tác tại đây, phạm nhân cũng là những con người hết sức bình thường, nhưng vì hoàn cảnh, nhận thức cũng như hành động của họ có những sai phạm cần được giáo dục và cải tạo, chính vì vậy, việc gần gũi khuyên bảo phạm nhân là điều vô cùng quan trọng.
Với thâm niên công tác của mình, Trung tá Hà Văn Đông, Phó trưởng Phân trại 3, chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le của phạm nhân, có nhiều trường hợp không yên tâm cải tạo, luôn có tư tưởng chán chường. Nắm bắt được tâm lý của từng phạm nhân, bằng cách cư xử gần gũi, thể hiện cho phạm nhân thấy mình như người thân của họ, từ đó gần gũi, khuyên bảo phạm nhân nhận thức được việc cải tạo tốt chính là con đường ngắn nhất dẫn đến tự do. Trung tá Đông kể lại một kỷ niệm, cách đây đã hơn 10 năm, khi ông còn làm quản giáo. Đó là trường hợp phạm nhân tên Khước, quê Hải Phòng, lĩnh án 20 năm, khi vào trại không nhận được sự động viên, thăm hỏi của gia đình đã sinh ra chán chường, thường xuyên vi phạm kỷ luật trại. Gặp trường hợp này, Trung tá Đông đã nghiên cứu hồ sơ phạm nhân, từ đó thuyết phục, xóa đi những mặc cảm, ức chế trong tư tưởng phạm nhân. Biết được phạm nhân có vợ ở quê, nhưng người vợ này không đoái hoài gì đến người chồng đang chịu án, Trung tá Đông đã động viên phạm nhân Khước viết thư cho vợ, kể về những mặc cảm của mình. Mặt sau thư, Trung tá Đông đề một vài dòng nói rõ hoàn cảnh, tư tưởng, nguyện vọng cũng như tình cảm của phạm nhân Khước đối với gia đình của mình, đặc biệt là người vợ. Và kết quả, người vợ phạm nhân ở quê đã hồi âm, viết thư trao đổi và lên tận nơi thăm chồng. Cũng chính từ những hành động đơn giản nhưng đầy ý nghĩa này, phạm nhân Khước đã yên tâm lao động và cải tạo.
Mặc dù không có thâm niên công tác như Trung tá Đông, Thiếu tá Nguyễn Văn Hân, hiện là Đội trưởng Đội giáo dục, hồ sơ cũng đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian gần 10 năm công tác tại trại giam Nam Hà. Thiếu tá Hân tâm sự, quản lý và giáo dục phạm nhân là công việc rất khó khăn và gian khổ, đòi hỏi người cán bộ, chiến sỹ không ngừng nỗ lực, quan tâm, chia sẻ với phạm nhân thì mới cải tạo họ được; giáo dục một con người đã khó, việc giáo dục lại một con người còn khó hơn, do vậy mỗi cán bộ, chiến sỹ xác định phải hết sức vững vàng, kiên định, không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Xác định gắn bó với nghề, Thiếu tá Hân luôn tự răn mình phải có tâm với công việc, bằng tình cảm, tình người gần gũi và xóa đi mặc cảm của phạm nhân, như vậy mới mong cải tạo được họ. Thiếu tá Hân còn nhớ trường hợp phạm nhân Lường Văn Xiện, phải nhận mức án chung thân. Khi mới vào trại, phạm nhân nhất định không nhận tội và thường xuyên phá phách. Thiếu tá Hân đã gặp gỡ, động viên, giáo dục, thuyết phục, từ đó phạm nhân thấy được những hành vi phạm tội, nếu cải tạo tốt sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và yên tâm cải tạo. Chỉ một thời gian ngắn, do cải tạo tốt, phạm nhân Xiện đã được giảm xuống mức án 20 năm tù.
Đức Phương