Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh: Nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì hành vi này càng nguy hiểm và cần phải được lên án. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, tại điều 348 Bộ luật hình sự (BLHS) về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định sẽ bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; đối với từ năm người đến 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm: Đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; làm chết người. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
“Hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 đang bùng phát trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cũng như công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam”, luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.
Cụ thể: Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình như sau: Phạt tiền từ 15 đến 25 triệu đồng đối với người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép; cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam… nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật….
Trường hợp người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về trường hợp trên mà còn vi phạm thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 347 BLHS 2015. Cụ thể: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với những đối tượng biết mình nhiễm COVID-19 nhưng cố tình nhập cảnh vào Việt Nam, cư trú trái phép hoặc thực hiện các hành vi đi lại, giao tiếp không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "lây truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".
Không chỉ mang nguồn bệnh COVID-19 vào Việt Nam, các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam còn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội. Bởi lẽ, một số đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích hoạt động phi pháp, thực hiện những hành vi trái pháp luật như: Sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tổ chức đánh bạc trên mạng Internet với quy mô xuyên quốc gia hay gây bạo động lật đổ chính quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị. Việc kiểm soát an ninh đối với người nước ngoài là thật sự cần thiết. Nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép cần xử lý thật nghiêm để thể hiện tính răn đe, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội