Theo Hội đồng xét xử, sau khi xuất hiện nhiều chứng cứ, tình tiết mới tại tòa, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ, yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra bổ sung 8 vấn đề, trong đó phần lớn là nội dung xoay quanh việc thế chấp tài sản 57 Cao Thắng của Công ty Diệp Bạch Dương tại Agribank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng xét xử cũng yêu cầu làm rõ tài liệu thỏa thuận cho thuê tài sản 185 Hai Bà Trưng giữa ba bên gồm bên nhận tài sản thế chấp (bên A) là Agribank, bên thế chấp (bên B) là Công ty Diệp Bạch Dương và bên thuê tài sản (bên C) là Công ty Phan Thành.
Trong vụ án này, 9 bị cáo hầu tòa về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là: Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh); Trần Nam Trang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh); Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh); Lê Tôn Thanh (nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố); Huỳnh Kim Phát (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố); Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường). Riêng bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản Diệp Bạch Dương) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, nhà đất số 185 Hai Bà Trưng (Phường 6, Quận 3) là tài sản Nhà nước được giao Trung tâm Ca nhạc nhẹ (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Sở Văn hóa và Thể Thao) quản lý và làm trụ sở. Do cơ sở 185 Hai Bà Trưng xuống cấp, năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương (do Dương Thị Bạch Diệp làm Giám đốc) để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở. Bị cáo Diệp đề xuất hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, đang thế chấp ngân hàng) để lấy mặt bằng 185 Hai Bà Trưng với Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Tuy nhiên, sau khi được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp không đưa tài sản này vào ngân hàng để rút giấy chứng nhận nhà đất số 57 Cao Thắng ra để bàn giao, sang tên cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ như cam kết. Thay vào đó, bị cáo Diệp tiếp tục dùng nhà đất 185 Hai Bà Trưng thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), đến nay không có khả năng trả nợ, khiến Nhà nước mất tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại hơn 186 tỷ đồng.
Trong vụ án này, các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thiếu trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất, chấp thuận việc hoán đổi tài sản trái quy định của pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã không sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý nhà đất 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà đất này bị thế chấp dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.
Tại phiên xử ngày 22/3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương mức hình phạt là tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Thanh Nhàn, Vy Nhật Tảo từ 5 đến 6 năm tù; Nguyễn Thành Rum, Đào Anh Kiệt từ 4 đến 5 năm tù; Lê Văn Thanh, Huỳnh Kim Phát từ 3 đến 4 năm tù; Trần Nam Trang, Lê Tôn Thanh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Về tài sản 185 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thu hồi, trả lại cho Trung tâm ca nhạc nhẹ Thành phố quản lý. Những tranh chấp liên quan nếu có đề nghị dành quyền khởi kiện dân sự cho các bên.
Trong suốt quá trình xét xử từ ngày 15/3 đến ngày 26/3, phiên tòa diễn ra rất "nóng" với các tranh luận của luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp với luật sư của Agribank; phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát với các luật sư. Hội đồng xét xử cũng phải triệu tập thêm nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan để trả lời về các tình tiết mới phát sinh tại tòa.
Ngoài ra, phiên tòa đã phải hai lần tạm dừng sau các phiên xử sáng 17/3 và sáng 25/3. Trong đó, một lần tòa tạm dừng từ ngày 17/3 đến 22/3 mới tiếp tục vì cần thời gian cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp ổn định tinh thần và sức khỏe để tham gia phiên tòa. Lần thứ 2, tòa tạm dừng sau phiên xử sáng 25/3 để đánh giá lại các chứng cứ.