4 người liên quan được triệu tập đều phủ nhận cáo buộc Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo triệu tập của Hội đồng xét xử, sáng 5/9, 4 người gồm: ông Từ Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), ông Võ Quang Huy - Kế toán trưởng của Vietsovpetro, Nguyễn Hữu Tuyến - nguyên Tổng Giám đốc Vietsovpetro và ông Bùi Văn Hải - Trưởng ban kiểm soát của Ngân hàng OceanBank đã có mặt tại phiên tòa.
Ông Bùi Văn Hải bị triệu tập do liên quan đến lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba - nguyên Giám đốc Khối bán lẻ OceanBank. Ông Hải bị Thu Ba cáo buộc khi không có trách nhiệm trong giám sát, cảnh báo vi phạm của OceanBank chi lãi ngoài trong thời gian dài. Bị cáo Hà Văn Thắm cũng cho rằng, họp Hội đồng quản trị ngân hàng về chi lãi ngoài, ban kiểm soát cũng tham gia và có sự đồng ý.
Khai tại tòa, ông Hải cho biết, chỉ một lần được mời họp Hội đồng quản trị về nội dung triển khai mô hình hoạt động của OceanBank. Còn các cuộc họp khác thì không được mời nhưng vẫn thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng quản trị. Theo ông Hải, các nghị quyết đều không nói đến chi lãi suất ngoài và ông không biết việc OceanBank chi lãi ngoài.
Trong vai trò kiểm soát của mình, ông Hải cho biết không được cung cấp nhiều thông tin hoạt động. Những vấn đề sai phạm ông đều nêu trong biên bản nhưng trên báo cáo gửi ban kiểm soát không thể hiện hết sai phạm.
Tòa đối chất lời khai của ông Hải với Hà Văn Thắm. Bị cáo Thắm cho biết, ban kiểm soát được quyền tham gia tiếp nhận bất kỳ hồ sơ gì của Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị cũng không bao giờ có hành động ngăn cản. Việc chi lãi ngoài nêu rất rõ trong các báo cáo và ban kiểm soát đều nhận được, song chưa có cảnh báo nào.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu - nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank và Nguyễn Thị Nga - nguyên Trưởng ban tài chính kế hoạch cũng cho rằng: Ban kiểm soát đứng trên cả Hội đồng quản trị. Việc thực hiện chi lãi ngoài triển khai trên toàn hệ thống. Rất nhiều nội dung thực hiện chỉ đạo triển khai chi lãi ngoài đều nêu tại các cuộc giao ban và bao giờ cũng yêu cầu mời Trưởng ban kiểm soát.
Trước các lời khai này, ông Hải vẫn phủ nhận việc biết OceanBank chi lãi ngoài. Ông chỉ biết đến khi có kết luận thanh tra.
Khai trước Tòa, ông Võ Quang Huy, ông Từ Thành Nghĩa và ông Nguyễn Hữu Tuyến đều phủ nhận cáo buộc nhận tiền chi ngoài lãi suất.
Ông Võ Quang Huy (Kế toán trưởng của Vietsovpetro) cho biết: Vietsovpetro có quan hệ gửi tiền với OceanBank. Việc gửi tiền và sử dụng dịch vụ của OceanBank theo chủ trương của Tập đoàn. Thời điểm cao nhất gửi tại OceanBank là 100 triệu USD và khoảng 1.000 tỷ đồng. Ông Huy bác các cáo buộc và cho biết mình không nhận tiền chi lãi suất ngoài.
Tòa cho đối chất với các bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên, Nguyễn Quốc Chiến. Bị cáo Liên khai mình cùng lãnh đạo ngân hàng đưa cho ông Huy 1,7 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài. Tuy nhiên, ông Huy vẫn cho rằng, những lời khai đó là bịa đặt, ông không nhận tiền chi lãi ngoài của OceanBank và khẳng định không có sự thỏa thuận trong chi – nhận lãi ngoài hợp đồng.
Làm rõ khoản vay 500 tỷ đồng trái quy định Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - Oceanbank đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Nội dung thẩm vấn trong phiên tòa chiều 5/9 được tập trung vào hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” trong việc Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn đã quyết định cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục gây thiệt hại cho OceanBank.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Hà Văn Thắm khai bị cáo không bàn bạc, không liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng, mà đó là khoản vay bình thường của ngân hàng.
Thẩm vấn Phạm Công Danh (là người đứng ra mua Ngân hàng Đại Tín, sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng), theo bị cáo Danh, khoản tiền vay 500 tỷ đồng này là do bị cáo Hứa Thị Phấn yêu cầu vay để cân đối thanh khoản của Ngân hàng Đại Tín. Thời điểm đó, thanh khoản của Ngân hàng Đại Tín rất xấu. Bị cáo Danh cho rằng, người thụ hưởng khoản tiền 500 tỷ đồng này là Hứa Thị Phấn, còn Danh không trực tiếp tham gia, không trao đổi. Bị cáo Danh còn cho rằng, giữa OceanBank với Ngân hàng Đại Tín có thỏa thuận về phong tỏa số tiền này, việc mất 500 tỷ đồng là trách nhiệm của Ngân hàng Đại Tín, nên đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi để trả lại cho OceanBank.
Việc đứng ra mượn 500 tỷ đồng bằng tài sản đảm bảo của Công ty Trung Dung và tài sản thế chấp của Hứa Thị Phấn là do chính bị cáo Phấn muốn cho Danh mượn tài sản, nhằm chuyển khoản thanh toán nghĩa vụ của bị cáo Phấn với Ngân hàng Đại Tín.
Được hỏi về việc phong tỏa tài khoản 500 tỷ đồng chuyển từ OceanBank sang các tài khoản ở Ngân hàng Đại Tín, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) khẳng định việc phong tỏa là nhằm loại trừ rủi ro. Trước đó, theo lời khai của Hoàn, do hồ sơ tín dụng khoản vay còn thiếu nên ba bên Công ty Trung Dung – Ngân hàng Đại Tín - OceanBank tiến hành thỏa thuận phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, tài khoản này sau đó vẫn được giải ngân, gây thiệt hại cho OceanBank 500 tỷ đồng.
Trả lời luật sư về biên bản 3 bên, đại diện Ngân hàng Đại Tín cho biết, thời điểm đó Ngân hàng Đại Tín không nhận được biên bản thỏa thuận ba bên (biên bản thỏa thuận do Công ty Trung Dung - Ngân hàng Đại Tín - Oceanbank ký), nên không tiến hành phong tỏa tài khoản.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục thẩm vấn Hà Văn Thắm liên quan khoản vay 500 tỷ đồng. Theo Thắm, nếu thực hiện đúng thỏa thuận phong tỏa tài khoản ba bên thì không có việc sử dụng sai mục đích số tiền này. Mục đích vay vốn là đầu tư vào dự án khu phức hợp ở sân vận động Chi Lăng. Tuy nhiên, số tiền 500 tỷ đồng lại được sử dụng để cân đối thanh khoản của Ngân hàng Đại Tín.
Ngày mai (6/9), Tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.