Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh khi nói về việc quản lý khai thác cát tại địa bàn hiện nay.
Theo ông Thắng, dù không được cấp phép, nhưng trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã xử lý 32 vụ vi phạm. Chính vì thế, trong tuần này, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức họp với các tỉnh lân cận để tìm giải pháp kiểm soát việc khai thác cát lậu.
TP Hồ Chí Minh siết chặt hoạt động khai thác cát nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. |
“Việc khai thác lậu tại vùng biển Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh vẫn còn và các nhà quản lý vẫn đang làm cương quyết. Không có chuyện buông lỏng quản lý để cát tặc hoành hành, nếu cần, phải tăng cường các phương tiện có mã lực cao. Đến thời điểm này, đơn vị chưa phát hiện có tình trạng bảo kê cho tình trạng khai thác cát trái phép và nếu có sẽ kiên quyết xử lý”, ông Thắng cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố nhận thức rằng việc khai thác cát và sử dụng tài nguyên này hợp lý sẽ đem lại nhiều nguồn lợi có ý nghĩa. Nếu không khai thác hợp lý nguồn cát hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tự nhiên, cụ thể là tất cả các hoạt động trên sông đều tạo ảnh hưởng đến hai bên bờ như gây sụt lớn, sạt lở, sụp lún nhà cửa, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
“Từ năm 2010, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương xác định hạn chế dẫn đến chấm dứt khai thác cát không theo kế hoạch, quy hoạch. Mặt khác, do nguồn cát khan hiếm, giá cát tăng nên các đối tượng cát tặc lợi dụng giáp ranh giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh để khai thác, vận chuyển cát lậu.Vì vậy, chúng ta phải có biện pháp mạnh hơn nữa, lực lượng Biên phòng Thành phố cần lập chốt kiểm tra 24/24 tại các vị trí trọng điểm. Tại Cần Giờ, các đơn vị cần phải kiểm soát chặt các bến, bãi tập kết vì cuối cùng cát cũng phải vào bờ. Phải ra quân và có hành động cụ thể, phải quyết liệt để giải quyết rứt điểm tình trạng này”, ông Hoan cho biết.