Theo Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, căn cứ vào phần xét hỏi và phần tranh luận tại phiên tòa, nhiều tình tiết và chứng cứ quan trọng của vụ án cần xem xét mà không thể bổ sung tại phiên tòa. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ.
Việc trả hồ sơ vụ án này cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương nhằm yêu cầu tiếp tục điều tra làm rõ 5 vấn đề. Cụ thể, 5 vấn đề cần tiếp tục làm rõ là:
Thứ nhất, thu thập tài liệu có chứng cứ của bà Nguyễn Hiệp Hảo (chủ một phần đất trong diện tích 20 ha mà bị cáo Khanh mua, đang định cư tại Mỹ) và tiến hành trưng cầu giám định đối với chữ ký của bà Hảo tại văn bản ủy quyền ngày 25/1/2008 để xác định bà Hảo có ủy quyền cho bà Hiệp (mẹ bà Hảo) hay không?
Thứ hai, thu thập các tài liệu liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ủy ban nhân dân thị xã Bến Cát cấp cho bà Nguyễn Hiệp Hảo năm 1997 để làm rõ việc tăng, giảm và làm rõ vị trí đất.
Thứ ba, thu thập tài liệu chứng minh vốn góp của Nhà nước trong Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thời điểm được cổ phần hóa, thời điểm xử lý tài sản thế chấp và thời điểm hiện tại.
Thứ tư, điều tra làm rõ việc có hay không bị cáo Khanh và gia đình đã đầu tư trên phần đất trồng cao su mà gia đình đã nhận chuyện nhượng, nếu có thì đã đầu tư cải tạo như thế nào, giá trị cải tạo là bao nhiêu để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Thứ năm, giải quyết các khiếu nại về kết luận định giá theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo Luật sư Lê Thị Minh Nhân, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, Hội đồng xét xử rất công tâm khi trả hồ sơ vụ án. Năm vấn đề Hội đồng xét xử đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương cần điều tra làm rõ đã thể hiện gần hết 16 vấn đề mà các luật sư tham gia bào chữa trong vụ án đã từng đề nghị điều tra lại cho khách quan.
Trong quá trình xét xử vụ án, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh luôn kêu oan. Các bị cáo còn lại cũng cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương truy tố chưa đúng tội danh, là quá nặng so với các sai phạm vô ý của các bị cáo.
Trước đó, trong quá trình xét xử vụ án, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã công bố bản luận tội đối với 7 bị cáo. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân tỉnh đã đề nghị mức án 15 đến 17 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Huy Hùng và bị cáo Nguyễn Quang Lộc, bị cáo Nguyễn Hồng Khanh bị đề nghị mức án 14 đến 16 năm tù, bị cáo Nguyễn Thành Luân và bị cáo Lê Hồng Linh mức án 5 đến 7 năm tù, bị cáo Nguyễn Minh Tâm mức án 5 đến 6 năm tù. Riêng bị cáo Đặng Văn Thọ bị đề nghị mức án 2 đến 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát mua tài sản phát mãi giá rẻ gây thất thoát 36 tỉ đồng tài sản của Nhà nước. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương truy tố bị cáo Nguyễn Hồng Khanh cùng Nguyễn Huy Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn và Nguyễn Quang Lộc, nguyên cán bộ cấp dưới ông Hùng, về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Bị cáo Khanh được cho là đã móc nối cùng 2 nguyên cán bộ Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn mua rẻ tài sản thế chấp tại xã An Tây, Bến Cát, Bình Dương, mà ngân hàng đang xử lý để thu hồi khoản nợ 72 tỉ đồng do doanh nghiệp vay.
Bị cáo Khanh đã mua gần 20 ha đất và máy móc thiết bị được định giá 45,7 tỉ đồng, nhưng ngân hàng chỉ thu hồi nợ được số tiền 10,3 tỉ đồng, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền 35,4 tỉ đồng.
Các bị cáo Lê Hoài Linh, nguyên Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát; Nguyễn Thành Luân, nguyên cán bộ đo vẽ, cấp dưới ông Linh; Nguyễn Minh Tâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã An Tây và Đặng Văn Thọ, nguyên cán bộ địa chính xã An Tây, bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Liên quan đến vụ án này, ngày 8/11/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định việc ông Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát, Bình Dương bị khởi tố bắt giam, xét xử không phải do bị trù dập mà liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.