Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, do Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/7.
Theo Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Chính trị - Hậu cần ( Bộ Công an), từ năm 2014 - 2016, toàn quốc phát hiện 4.147 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 4.320 đối tượng gây án và đã xâm hại 4.140 trẻ em, trong đó hiếp dâm 1.495 vụ, cưỡng dâm 22 vụ, dâm ô với trẻ em là 556 vụ, giao cấu với trẻ em là 2.074 vụ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc phát hiện 805 vụ xâm hại trẻ em với 881 đối tượng xâm hại 832 nạn nhân. Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là các trẻ em gái.
Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt cho rằng, tội phạm xâm hại trẻ em trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ, phương thức thủ đoạn phạm tội đa dạng hơn, đáng chú ý là tình trạng xâm hại trẻ em dưới 5 tuổi, xâm hại rồi giết hại … gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức và gây bức xúc dư luận.
Tham dự hội thảo, các đại biểu cho rằng một trong những khó khăn của công tác ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ tuổi, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị kích động thường hoảng loạn về tinh thần nên trình báo thiếu chính xác.
Nhiều vụ việc phát hiện chậm, gia đình nạn nhân thiếu hợp tác do mặc cảm, sợ hãi, sợ ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân hoặc do tự thỏa thuận bồi thường với đối tượng gây án, khi đối tượng chây ỳ không chịu thực hiện cam kết mới trình báo vụ việc với cơ quan chức năng.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho rằng: Các cơ quan công an địa phương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư, nhất là ở những địa bàn mà trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, những nơi có tập quán sinh hoạt, môi trường sống dễ nảy sinh loại tội phạm này.
Lực lượng công an cần đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ trong việc phát hiện, điều tra, phá án các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Về lâu dài, Tổng cục Cảnh sát sẽ nghiên cứu tham mưu để lãnh đạo các cấp từng bước hoàn thiện, sửa đổi luật nhằm hạn chế những kẽ hở trong hệ thống pháp lý, dễ dàng xác định tội danh đối với đối tượng xâm hại tình dục trẻ em.