Tuy nhiên, quá trình xét hỏi tại Tòa, chính các bị cáo là cấp dưới của Trịnh Xuân Thanh cũng đã đề nghị Hội đồng xét xử nhắc nhở bị cáo Thanh về việc khai báo tại Tòa.
Cấp dưới đề nghị Trịnh Xuân Thanh không nhắc đến tình cảm anh em ở Tòa Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC), luật sư Nguyễn Quốc Hùng đặt câu hỏi về việc bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) khai bị cáo Trịnh Xuân Thanh có trao đổi về lập quỹ đối nội, đối ngoại. Bị cáo Thanh cho rằng, bị cáo không chỉ đạo lập quỹ, trước đó có nghe qua về việc lấy một số tiền lãi của PVC để chi đối ngoại, còn việc lập quỹ, Thanh hoàn toàn không biết.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (bên trái) và bị cáo Nguyễn Anh Minh (bên phải) trả lời câu hỏi của Luật sư. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Khi được hỏi về nội dung này, bị cáo Nguyễn Anh Minh khẳng định lại điều đó và cho rằng số tiền 5 tỷ đồng để đưa cho Trịnh Xuân Thanh chi lễ Tết là bằng chứng để chứng tỏ Thanh chỉ đạo lập quỹ đối nội, đối ngoại.
Đối chất về nội dung này trước Tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thêm lần nữa nhắc lại việc luôn coi bị cáo Nguyễn Anh Minh như là người anh em trong gia đình và quay sang hỏi bị cáo Minh: “Anh có bao giờ chỉ đạo em lập quỹ không?”.
Đáp lại câu hỏi này của bị cáo Thanh, bị cáo Nguyễn Anh Minh đã nêu ý kiến: Mặc dù có tình cảm trong quan hệ gia đình, quan hệ bạn bè, nhưng khi ra trước Tòa, việc xử lý vi phạm pháp luật là như nhau. Không thể nói về việc coi bị cáo Minh như người anh em trong gia đình trong suốt phiên tòa như vậy.
Ngay như việc bị cáo Lương Văn Hòa đưa cho Minh 2 tỷ đồng, bản thân bị cáo Minh không thể phủ nhận việc đã cầm tiền và tự nhận thấy bản thân phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan điều tra. Minh không thể vì quan hệ tình cảm anh em với bị cáo Thanh mà đổ trách nhiệm cho bị cáo Thuận được. Bị cáo Nguyễn Anh Minh nêu đề nghị: “Vì vậy, xin Hội đồng xét xử có ý kiến với bị cáo Thanh, không thể vì tình cảm mà nhắc đi nhắc lại điều này trước tòa suốt từ hôm qua đến giờ”.
Trịnh Xuân Thanh chối việc nhận 4 tỷ đồng Liên quan đến hành vi tham ô tài sản, theo cáo trạng, ngày 6/1/2012, theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Anh Minh đã gọi điện thoại yêu cầu Lương Văn Hòa (Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) chuẩn bị 5 tỷ đồng để Trịnh Xuân Thanh sử dụng cá nhân trong dịp Tết Nguyên đán 2012.
Ngày 12/1/2012, bị cáo Lương Văn Hòa đã chỉ đạo Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng Phòng Tài chính kế toán Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch) chuyển hơn 6,5 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quỳnh Hoa để thanh toán hợp đồng khống thi công hạng mục đường phục vụ thi công khu nhà điều hành Ban Quản lý dự án và Nhà làm việc Ban điều hành tổng thầu tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Sau khi tiền vào tài khoản, Nguyễn Thành Quỳnh và Lê Thị Anh Hoa (Kế toán trưởng và Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quỳnh Hoa) giữ lại trên 977 triệu đồng (bằng 15% theo thỏa thuận trước đó), số tiền hơn 5,5 tỷ đồng còn lại chuyển vào tài khoản cá nhân của Lương Văn Hòa.
Khai tại Tòa, bị cáo Lương Văn Hòa cho biết, sáng 13/1/2012, theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa rút 5 tỷ đồng rồi đưa lại cho Nguyễn Văn Kế (lái xe của Nguyễn Anh Minh). Kế đã giữ lại 1 tỷ đồng cho Nguyễn Anh Minh, 4 tỷ đồng còn lại đưa cho lái xe Nguyễn Đặng Toàn (lái xe của Trịnh Xuân Thanh) để Trịnh Xuân Thanh tiêu Tết.
Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận cáo buộc, cho rằng mình không nhận 4 tỷ đồng đó. Về vấn đề này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết, do 16 giờ ngày 13/1/2012, bị cáo Thanh có chuyến bay đi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh nên khoảng 13 giờ hôm đó, lái xe đã đưa bị cáo Thanh từ trụ sở PVC về nhà riêng ở Ciputra, sau đó đưa bị cáo Thanh ra sân bay Nội Bài trước giờ lên máy bay 1,5 tiếng đồng hồ. Do đó, không thể có đủ thời gian để bị cáo Thanh nhận tiền và về nhà cất tiền như lời khai của các bị cáo trên.
Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định không chịu trách nhiệm việc chi tiền tạm ứng
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN) khai, ở giai đoạn đầu, khi quyết định PVPower là chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (sau này chuyển về PVN là chủ đầu tư), Hội đồng Thành viên PVN đã giao cho Ban Tổng Giám đốc chỉ đạo triển khai theo đúng quy định của pháp luật và việc triển khai này, bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) đã phân công cho các Phó Tổng Giám đốc thực hiện, Hội đồng Thành viên chỉ chịu trách nhiệm về chủ trương, đường lối.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng khẳng định, khi đó, các báo cáo của PVPower đều thể hiện Hợp đồng EPC số 33 đã đủ điều kiện để ký. Chỉ đến khi cơ quan điều tra làm việc, bị cáo Đinh La Thăng mới biết Hợp đồng EPC số 33 chưa đủ điều kiện pháp lý. Ngoài ra, báo cáo của các thành viên khác trong Ban Tổng Giám đốc PVN cũng thể hiện không biết việc đó.
Về ý kiến của đại diện PVPower khẳng định việc ký hợp đồng EPC 33 chỉ nhằm mục đích duy nhất để khởi công dự án, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, để khởi công dự án theo quy định của pháp luật, có nhiều điều phải làm, trong đó có việc ký hợp đồng để triển khai các công việc.
Liên quan đến việc PVN tạm ứng tiền cho PVC để thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng khai việc này không thuộc trách nhiệm của Hội đồng Thành viên và Chủ tịch Hội đồng Thành viên mà thuộc trách nhiệm của Ban Tổng Giám đốc.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.