Trước cảnh báo Việt Nam là địa bàn trung chuyển và tiêu thụ ma tuý, Hải quan nói gì?

Theo nhận định của Bộ Công an, Việt Nam được cảnh báo là địa bàn vừa trung chuyển, vừa tiêu thụ ma tuý, trong đó, khoảng 20% ma tuý tiêu thụ trong nước, 80% chuyển đi quốc gia và vùng lãnh thổ thứ 3 như: Đài Loan, Philippines, Malaysia... Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), ông Nguyễn Phi Hùng xung quanh vấn đề này. 

Chú thích ảnh
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Phi Hùng (giữa). Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

-Thưa ông, Bộ Công an đã có cảnh báo Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh là địa bàn trung chuyển ma túy từ “Tam giác vàng”. Ông có thể cho biết lý do của tình trạng này?

- Đa số ma túy được đưa từ “Tam giác vàng” là Myanmar qua Lào, Campuchia vào Việt Nam rồi đưa về TP.Hồ Chí Minh, sau đó xuất tiếp ra các nước. 

Nguyên do: Việt Nam nằm ở gần khu vực “Tam giác vàng” Myanmar là nơi sản xuất thuốc phiện trước đây, ma túy tổng hợp hiện nay và các loại heroin khác. Thêm vào đó, chính sách quản lý phòng chống ma túy, tội phạm của các quốc gia khác nhau, vị trí địa lý lại có tuyến biên giới dài giáp nhau... Đây là các nguyên nhân khiến các đối tượng tội phạm coi Việt Nam như một địa bàn để trung chuyển ma tuý.

Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, nơi có cảng biển quốc tế ở khu vực phát triển giao thương nhộn nhịp nhất thế giới là: Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, từ đây có thể vận chuyển đi các nước khác trên tuyến đường hàng hải quốc tế. Hơn thế, Việt Nam lại gần địa bàn một số quốc gia có dân số lớn, có khả năng tiêu thụ ma tuý, khiến các đối tượng bằng mọi giá, sử dụng nhiều thủ đoạn để vận chuyển.

Việt Nam còn ở cạnh những quốc gia, vùng lãnh thổ mà tệ nạn ma túy, tội phạm đang hoành hoành như: Đài Loan, Phillippin và một số nước khác. Cuộc chiến không ngơi nghỉ với lực lượng tội phạm ma túy mang tầm thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. Việc các đối tượng lựa chọn Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy đang là thách thức lớn của Chính phủ, cơ quan chức năng Việt Nam.
 

-Thưa ông, trong lĩnh vực Hải quan, những thủ đoạn nào mà tội phạm ma túy thường áp dụng?

+Tội phạm ma tuý trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm với tính chất, phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động. Chúng trang bị nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, vận chuyển ma tuý bằng nhiều loại phương tiện khác nhau và sẵn sàng dùng nhiều loại vũ khí “nóng” chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ. Nổi lên là các đối tượng người có quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan, Lào móc nối với các đối tượng ở trong nước để thực hiện các hành vi mua bán, vận chuyển qua biên giới thông qua các đường mòn, lối mở, qua hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để cất giấu các chất ma túy từ Lào, Campuchia và từ châu Mỹ, châu Phi vào Việt Nam.  

 Lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp, các đối tượng đã vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy. Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách thông quan đối hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh, kẻ xấu dễ dàng cất giấu ma túy với nhiều cách như: Khai báo sai tên hàng hoá, số lượng, chủng loại hàng hoá. 

Lợi dụng chính sách quản lý với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan, các đối tượng phạm tội đã cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở; lợi dụng loại hình hàng tạm nhập - tái xuất để cất giấu vào hàng hoá đựng trong các container, vận chuyển mua tuý từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó trung chuyển ra thế giới. 

Chỉ tính từ tháng 7/2018 đến nay, lực lượng phòng chống ma túy ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 129 vụ/ 91 đối tượng. Thu giữ 218 kg hêroin, 30 kg thuốc phiện, 725 kg ma túy đá, 127,6 kg cocain, 502 kg ketamin, 40,6 kg cần sa và 179.833 viên ma túy tổng hợp các loại. Đặc biệt ngày 11/5, hải quan phối hợp với Bộ Công an phá thành công chuyên án M918 (do lực lượng hải quan xác lập) và chuyên án 719ĐL (do lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an xác lập), triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào địa bàn TP.Hồ Chí Minh để trung chuyển bằng đường biển sang nước thứ 3 tiêu thụ do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu. Thu giữ 500 kg ma túy ketamine.

-Những khó khăn nào mà Hải quan cũng như Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Bộ đội biên phòng đang phải đối mặt, thưa ông?

+Tại một số địa phương, có nhiều vụ việc do yêu cầu nghiệp vụ, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đề nghị không tiến hành bắt giữ tang vật ngay mà để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ câu nhử bắt đối tượng, bóc gỡ tận gốc đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy. Nhưng khi không bắt được đối tượng thì công tác bàn giao hồ sơ, tang vật vụ án lại gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện tố tụng đối với các vụ án ma túy là phải có tang vật thì mới khởi tố được đối tượng để điều tra. Bên cạnh đó là khó khăn về tổ chức bộ máy, trang thiết bị và cơ chế chính sách.

 Một số thiết bị kỹ thuật được đầu tư trang bị tại các chi cục hải quan cửa khẩu như: Camera giám sát, máy soi kiểm thể, máy soi chiếu hàng hóa, hành lý...  đến nay hư hỏng do thời gian dùng đã lâu hoặc lạc hậu. Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia còn chậm, dẫn đến thiếu thông tin từ xa, từ trước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách, phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh.

Theo tôi, thời gian tới, cơ quan quản lý cần rà soát khắc phục các hạn chế của hệ thống thông quan tự động nhằm nâng cao hiệu quả công tác và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng. Phía lực lượng kiểm soát ma tuý cần rà soát lại các khâu thực hiện quy trình thủ tục hải quan, phát hiện các sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma tuý có thể lợi dụng hoạt động, đặc biệt là khâu khai báo hải quan, phân luồng, kiểm tra thực tế hàng hoá để tham mưu cho lãnh đạo các cấp sửa đổi, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý. 

Phối hợp chặt chẽ với bộ ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất, không để tội phạm lợi dụng vận chuyển, sản xuất ma tuý. 

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức
Giết bạn em gái sau khi sử dụng ma túy đá
Giết bạn em gái sau khi sử dụng ma túy đá

Ngày 17/5, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạm giữ Đặng Thanh Sơn Em (28 tuổi, ở xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ) để điều tra làm rõ về hành vi giết anh Phan Thanh Thiện (ở Đồng Nai).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN