Cảnh sát kiểm niêm phong số hàng công tơ giả tại Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Hoàng Lan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trước đó, ngày 31/12/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Cục cảnh sát điều tra chống buôn lậu (Bộ Công an) và Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Hoàng Lan (ở khu đô thị Đền Lừ II, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Nguyễn Khương Duy làm Giám đốc và phát hiện có nhiều công tơ điện in nhãn hiệu Gelex và Phiếu kiểm định của Tổng Công ty cổ phần thiết bị điện, Giấy chứng nhận kiểm định của Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội có dấu hiệu bị làm giả.
Cơ quan điều tra thu giữ 776 chiếc công tơ điện, hàng nghìn đồ điện gia dụng in nhãn hiệu Vinakip, 53 thùng bóng đèn sợi đốt nhãn hiệu Sakura, chiếc đèn bàn hiệu Rạng Đông.
Qua giám định đã kết luận: Giấy chứng nhận kiểm định, Phiếu kiểm định công tơ điện 3 pha, dấu và chữ kỹ in trên Giấy, Phiếu kiểm định công tơ điện 3 pha… không trùng khớp với mẫu giám định.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Khương Duy khai: Tháng 11/2015, Duy biết có nguồn hàng rẻ là công tơ điện nhãn hiệu Gelex qua sử dụng đã được tân trang lại. Mỗi công tơ điện có giá từ 80.000-300.000 đồng/chiếc kèm giấy chứng nhận kiểm định. Thực tế, việc kinh doanh mặt hàng công tơ điện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định, cấp giấy chứng nhận và phải được kẹp chì mới được lưu thông ra thị trường. Tuy nhiên, ham giá rẻ, Duy quyết định mua số công tơ điện này để bán lại hưởng phần chênh lệch.
Số công tơ giả tại Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Hoàng Lan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Ngày 24/12/2015, Duy nhận được đơn hàng của một người đàn ông đặt mua 96 chiếc công tơ điện loại 1 pha và 12 chiếc công tơ loại 3 pha. Duy đã gọi điện cho Lợi và chỉ đạo hai nhân viên ra Bến xe Giáp Bát, quận Hoàng Mai để lấy hàng. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ, các nhân viên của Duy bị Công an phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai kiểm tra.
Vài ngày sau, một khách hàng khác đặt mua 600 chiếc công tơ điện, Duy đã thuê xe nhận hàng. Số hàng trên chưa kịp giao cho khách thì công ty của Duy bị kiểm tra và thu giữ tang vật nêu trên.
Qua xác minh cho thấy, các sản phẩm công tơ điện cơ khí do Gelex sản xuất chủ yếu cung cấp cho ngành điện. Từ năm 2014, ngành điện có chủ trương thay thế công tơ điện cơ khí sang điện tử. Năm 2015, sản lượng công tơ do Gelex giảm còn 25%, năm 2016 là 2,5% so với các năm trước. Gelex không lưu mẫu công tơ sản xuất trước năm 2016 nên không cung cấp được mẫu cho cơ quan điều tra để giám định. Do đó, cơ quan điều tra tách tài liệu liên quan đến toàn bộ số công tơ đã thu giữ của Duy để điều tra xử lý sau.
Cáo trạng kết luận: Mặc dù biết rõ công tơ điện là thiết bị đo đếm được Nhà nước quản lý, trước khi sử dụng phải được cơ quan chuyên ngành kiểm định và cấp phép. Nhưng với mục đích hưởng lợi, trong tháng 12/2015, Nguyễn Khương Duy đã có hành vi mua 656 công tơ điện 1 pha 2 dây và 228 công tơ loại 3 pha 4 dây đã qua sử dụng được tân trang lại và dùng 754 Giấy chứng nhận kiểm định giả của Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội và 228 Phiếu kiểm định giả của Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam cho vào hộp đựng các công tơ điện để bán ra thị trường, thu lời bất chính.