Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Khuây (sinh năm 1954, trú quán tại Gia Lâm, Hà Nội - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363) bị xử phạt 42 tháng tù; Vũ Duy An (sinh năm 1957, trú tại Trực Ninh, Nam Định - nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 363) bị xử phạt 36 tháng tù; 3 bị cáo mỗi người bị xử phạt 30 tháng tù là Đỗ Công Mên (trú tại Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng - nguyên chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Thành Tô, quận Hải An), Nguyễn Phú Doanh (sinh năm 1977, trú tại quận Kiến An, Hải Phòng - nguyên phó trưởng phòng thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên môi trường Hải Phòng) và Phạm Văn Bình (sinh năm 1958, trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng - Giám đốc một doanh nghiệp thuê khu đất).
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Sư đoàn Phòng không 363 được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao quản lý khu đất tại phường Tràng Cát và phường Thành Tô, quận Hải An, Hải Phòng. Sư đoàn 363 đã giao cho phòng hậu cần của sư đoàn với mục đích chuyển đổi khu đất quốc phòng thành đất nhà ở.
Năm 2004, nguyên sư đoàn trưởng Nguyễn Văn Khuây đã ký văn bản báo cáo Tư lệnh phòng không không quân xin khảo sát, nhưng chưa được đồng ý.
Đến năm 2009, lấy lý do người dân đổ phế thải lấn chiếm, Nguyễn Văn Khuây đã giao cho Vũ Duy An thực hiện việc cắm mốc giới, trong đó có mốc giới số 8 chồng lấn vào đất của cả sư đoàn, tổng diện tích hơn 5,7 ha.
An đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện cắm mốc giới, vẽ bản đồ quy hoạch khu dân cư trái phép, sau đó đưa cho sư trưởng Nguyễn Văn Khuây và Chủ tịch UBND phường Thành Tô, ông Đỗ Công Mên ký.
Sau khi có bản đồ với đường đi, khu dân cư do Sư trưởng sư đoàn 363 và Chủ tịch phường Thành Tô ký, nhiều người dân đã mua bán, chuyển đổi, xây dựng nhà trái phép trên khu đất này.
Tháng 2/2008, Vũ Duy An còn ký cho Nguyễn Thị Xuân (vợ của Phạm Văn Bình) thuê 3,3 ha đất ở khu vực 5,7 ha với giá 100 triệu đồng/năm, thời hạn 30 năm, có bản đồ chi tiết 1/500. Sau đó, Phạm Văn Bình đã thuê người vẽ bản đồ và Nguyễn Văn Khuây đóng dấu.
Tuy nhiên, lấy lý do đất bị chồng lấn, Xuân và Bình không trả tiền thuê lô đất 3.000 m2 nữa, mà lại tiếp tục làm hợp đồng thuê của sư đoàn 363 diện tích 1,6 ha với giá 23 triệu đồng/năm, thời hạn 20 năm.
Sau đó, Phạm Văn Bình cho Nguyễn Phú Doanh làm đường, sân bóng. Từ bản đồ quy hoạch khu dân cư trái phép, Bình và Doanh đã bán cho nhiều người dân, giá từ 500 - 700 triệu đồng/lô đất 100m2. Theo tính toán của cơ quan chức năng, khu đất 5,7 ha đã bị các đối tượng Bình - Doanh bán giá rẻ nhất cũng lên đến trên 32 tỉ đồng.
Đỗ Công Mên còn ký các văn bản đề nghị Điện lực Hải Phòng và Công ty Cấp nước cung cấp điện nước cho người dân khu vực này. Phạm Văn Bình sau đó đã yêu cầu mỗi hộ dân muốn được cấp điện nước phải đóng 14 triệu đồng mới được cung cấp điện nước.
Cả khu vực 5,7 ha có đường dọc và 4 đường ngang với khoảng gần 130 ngôi nhà từ 1 - 5 tầng, một sân bóng 800m. Do người dân đã mua bán, xây dựng trái phép, diễn biến phức tạp khó có khả năng thu hồi.
Lợi dụng tình trạng các đối tượng trên "xẻ thịt" đất quốc phòng bán, các đối tượng giang hồ đã “nhảy dù” vào chiếm đất khu vực gần 9 ha liền kề đó, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép càng diễn biến phức tạp.
Ngày 17/10 vừa qua, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Bộ Quốc Phòng đã bàn giao 14,2 ha đất về cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng quản lý, sử dụng theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi nhận bàn giao, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai lực lượng ngăn chặn xây dựng trái phép và từng bước thực hiện phá dỡ, trả lại mặt bằng theo quy định.