Ngày 27/10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt (gọi tắt là RPMU), thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Tòa đã tuyên án các bị cáo: Phạm Hải Bằng lĩnh án 12 năm tù, Nguyễn Nam Thái lĩnh án 11 năm tù, Phạm Quang Duy 8 năm 6 tháng tù, Trần Quốc Đông và Nguyễn Văn Hiếu cùng lĩnh 7 năm 6 tháng tù, Trần Văn Lục bị phạt 5 năm 6 tháng tù, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 281, khoản 3 – Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Hội đồng xét xử đã nhận định, hành vi của các bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ. 6 bị cáo đều là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước, hưởng lương nhưng vì động cơ cá nhân đã sách nhiễu để yêu cầu phía nhà thầu JTC (Nhật Bản) nhiều lần đưa tiền. Các bị cáo không thực hiện nghiêm túc hợp đồng, chưa kiểm soát chất lượng công trình, chứng từ… Khi mới thực hiện được 45, 47% hợp đồng nhưng vẫn ký giải ngân, thanh toán hết 15 hóa đơn cho nhà thầu. Không làm đúng đạo đức, ứng xử trong đấu thầu. Đây là hành vi vụ lợi các nhân, lợi ích nhóm, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Cụ thể, Hội đồng xét xử xác định: Bị cáo Phạm Hải Bằng (nguyên Phó Giám đốc RPMU) đóng vai trò chủ mưu, là người trực tiếp đàm phán, nhiều lần gợi ý, gửi thư điện tử cho nhà thầu JTC (Nhật Bản) để nhận tiền hoặc chỉ đạo nhận tiền. Tiếp đó, Nguyễn Nam Thái (Trưởng phòng thực hiện Dự án 3, RPMU) được đánh giá là đồng phạm giúp sức tích cực cho Bằng. Thái trực tiếp tham gia soạn thảo, ký kết hợp đồng, gửi email yêu cầu đối tác chuyển tiền.
Bị cáo Phạm Quang Duy (nguyên Phó Giám đốc RPMU) tham gia sách nhiễu nhà thầu JTC để ép đưa tiền. Bị cáo Trần Quốc Đông (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU) biết cấp dưới Bằng nhận tiền nhưng để mặc và tiếp nhận ý chí việc nhận tiền từ JTC. Bị cáo Đông là Giám đốc RPMU trong 2 năm, Đông được Bằng cho biết sự việc nhưng không ngăn chặn chấm dứt nhận số tiền này. Đông đã ký giải ngân khi công việc chưa hoàn thành và có được hưởng lợi cá nhân trong đó.
Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU) để mặc cho Bằng và Thái nhận tiền từ nhà thầu trong suốt 3 năm làm giám đốc, không kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà thầu, hưởng lợi 50 triệu đồng từ tiền hỗ trợ của JTC.
Với chức vụ giám đốc, Trần Văn Lục (nguyên giám đốc RPMU) có thể chấm dứt việc nhận tiền nhưng để mặc cho Bằng phạm tội và còn nhận 100 triệu đồng.
Bào chữa tại phiên tòa, các luật sư cho rằng, không có nguyên đơn dân sự nên các bị cáo không phạm tội. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định, không thể coi JTC là nguyên đơn dân sự trong vụ án này vì hành vi của nhà thầu là sai. Các bị cáo có chức vụ quyền hạn, được hưởng lương, là chủ thể của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hội đồng xét xử đã cân nhắc tới việc các bị cáo dùng số tiền 11 tỷ đồng hầu hết vào lợi ích tập thể, chi cho nhiệm vụ chung của Ban, Phòng 3; các bị cáo chưa tiền án, tiền sự, khai nhận thành khẩn, đều đã khắc phục một phần hậu quả; gia đình có công với cách mạng, có thành tích trong công tác… và coi đây là những tình tiết được xem xét giảm nhẹ khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo.
Tại Tòa, mặc dù các bị cáo khai số tiền 11 tỷ đồng nhận từ nhà thầu JTC đã được chi tiêu vào các hoạt động chung của RPMU nhưng việc giao tiền là không phải trên cơ sở tự nguyện nên phải truy thu sung quỹ Nhà nước. Tòa kê biên một số tài sản của Bằng, Thái, Hiếu, Đông để đảm bảo thi hành án. Ngoài ra, Tòa còn tuyên phạt mỗi bị cáo 30 triệu đồng để sung công quỹ Nhà nước; cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ quản lý trong thời hạn 3 năm sau khi mãn hạn tù.
Bản án xác định, cả 6 bị cáo đã phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong số này có 3 người nguyên là giám đốc RPMU qua các thời kỳ. Vì động cơ cá nhân, lợi ích nhỏ, các bị cáo có hành vi sách nhiễu để yêu cầu nhà thầu JTC nhiều lần đưa tiền. Các bị cáo chưa kiểm soát chặt chẽ, tài liệu do nhà thầu Nhật Bản này cung cấp nên sản phẩm không đạt yêu cầu nhưng vẫn tiến hành giải ngân cho nhà thầu.
Bản án sơ thẩm còn nhấn mạnh, hành vi của các bị cáo nguyên là cán bộ ngành đường sắt này đã vi phạm quy định của luật phòng chống tham nhũng, gây ảnh hưởng quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản và với các nước khác dù trực tiếp hay gián tiếp.
Hội đồng xét xử còn nhấn mạnh, do sơ hở của cơ quan quản lý nên mới có việc hợp đồng bị điều chỉnh tăng lên, Tòa đã kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm rõ nếu có vi phạm.