Liên quan đến vụ án này, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Cương, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 1 Điều 354 Bộ luật Hình sự; bị cáo Dương Tấn Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị 18 tháng tù cho hướng án treo về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại khoản 1 Điều 359 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bị cáo Đinh Viết Chung là điều tra viên, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Hướng Hóa, được phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 14/7/2021 tại thôn Long Phung, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Trong quá trình giải quyết vụ việc đã có Bản kết luận giám định pháp y về thương tích kết luận tỉ lệ thương tích của Nguyễn Minh Dũng (bị hại) là 15%.
Theo quy định, Đinh Viết Chung phải đề xuất khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, vì động cơ cá nhân, Chung chỉ đạo cán bộ kỹ thuật hình sự Công an huyện Hướng Hóa làm giả quyết định trưng cầu giám định lại thương tích lần đầu của bị hại với mục đích làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Khi có Bản kết luận giám định lại thương tích của Dũng là 9%, Chung đã lấy bản kết luận này để báo cáo lãnh đạo Công an huyện Hướng Hóa làm căn cứ đề xuất ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Hành vi của Nguyễn Viết Chung là trái pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc dẫn tới hậu quả bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan pháp luật.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, bị cáo Nguyễn Đình Cương là giám định viên, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị, biết rõ thương tích trước đó của Nguyễn Minh Dũng gãy 6 xương sườn, tràn khí màng phổi được kết luật giám định thương tích là 15%, không đủ điều kiện để giám định lại và thuộc trường hợp từ chối giám định lại. Tuy nhiên, vì động cơ vụ lợi, nhận của bà Nguyễn Thị Bích Lan (người nhà của đối tượng gây thương tích) 10 triệu đồng để giúp giảm nhẹ tỉ lệ thương tích của bị hại, Cương đã chỉ đạo Nguyễn Tấn Tùng giám định lại thương tích của Dũng. Sau đó, Cương chỉ đạo Tùng lấy kết quả đọc phim lần 2 để kết luận Bản giám định lại thương tích lần 1 của Dũng là gãy 4 xương sườn, tỉ lệ thương tích chỉ là 9%.
Sau khi nhận được Bản kết luận giám định lại thương tích lần 1 với tỉ lệ thương tích 9%, Chung đã báo cáo lên lãnh đạo Công an huyện Hướng Hóa đề xuất không khởi tố vụ án hình sự. Ngày 14/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hướng Hóa ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân huyện theo quy định.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hướng Hóa phát hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã bỏ ngoài hồ sơ Bản kết luận giám định pháp y về thương tích lần 1 (tỉ lệ thương tích 15%) và hồ sơ bệnh án của Nguyễn Minh Dũng nên đã yêu cầu hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Ngày 15/12/2021, Công an huyện Hướng Hóa ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đồng thời quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 4 bị can về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 23/8/2023 Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố bị can và bắt tạm giam Đinh Viết Chung về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”; đồng thời khởi tố các bị can Nguyễn Đình Cương và Dương Tấn Tùng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Dương Tấn Tùng là giám định viên, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị được Nguyễn Đình Cương phân công giám định lại lần 1 đối với thương tích của Nguyễn Minh Dũng. Mặc dù biết rõ việc giám định lại không đủ điều kiện, thuộc trường hợp từ chối giám định lại nhưng do bị chi phối và chịu sự chỉ đạo của Nguyễn Đình Cương nên Tùng đã soạn thảo và cùng ký Bản kết luận giám định lại thương tích lần 1 đối với Dũng kết luận gãy 4 xương sườn, tỉ lệ tổn thương sức khỏe là 9% không đúng. Trong quá trình thực hiện bản giám định lại, Tùng có hưởng lợi 3 triệu đồng từ Nguyễn Đình Cương nhưng Tùng không biết số tiền này do Cương yêu cầu bà Lan đưa nên không đồng phạm với Cương tội “Nhận hối lộ” mà chỉ phạm tội “Giả mạo trong công tác”.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, xin nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Sau khi nghị án, xét về tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng của vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án như trên.