Báo Tin Tức Cuối Tuần đã nhận được đơn của ông Phạm Văn Hải, tổ trưởng tổ xe thuộc Viện Giám định y khoa (Bộ Y tế) tố cáo ông Đặng Hồng Nam, Viện trưởng Viện Giám định y khoa (GĐYK) thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Xe “xịn” xuống cấp Theo nội dung đơn tố cáo của ông Hải, Viện GĐYK được Bộ Y tế trang bị 3 xe ô tô để phục vụ công tác (1 xe ô tô 4 chỗ Toyota Camry BKS 31A-1457 và 2 xe ô tô cứu thương: Toyota Landcruiser BKS 31A-4058; Mitsubishi BKS 31A-7116). Trước ngày 1/9/2009 (ngày ông Nam nhận chức Viện trưởng Viện GĐYK), cả 3 xe đều hoạt động tốt, được đăng kiểm đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, do thiếu trách nhiệm, do quản lý điều hành của Viện trưởng nên hiện nay cả 3 xe ô tô này đều không được sử dụng và hiện 2 xe (Toyota Camry BKS 31A-1457 và Toyota Landcruiser BKS 31A-4058) đã bị hư hỏng, xuống cấp rất nghiêm trọng và không thể hoạt động được nữa. Ông Hải còn nghi ngờ việc mới đây ông Nam xin điều chuyển 2 xe ô tô trên là hành vi tẩu tán tang vật vi phạm pháp luật đang có đơn tố cáo.
Hai chiếc xe của Viện Giám định y khoa bị hư hỏng do lâu ngày không sử dụng, không được bảo dưỡng (ảnh do người tố cáo cung cấp). |
Ông Hải cũng đã gửi đơn và trực tiếp đến Thanh tra Bộ Y tế để tố cáo vấn đề nêu trên. Ngày 4/7/2011, Thanh tra Bộ Y tế đã có công văn số 269/GQĐ-TTrB gửi Viện GĐYK đề nghị Viện trưởng Viện GĐYK báo cáo giải trình về việc quản lý, sử dụng 3 xe ô tô của Viện và việc thuê xe ngoài. Đối với việc điều chuyển 2 xe nói trên, nếu Viện GĐYK đã có đủ cơ sở pháp lý thì khi bàn giao xe cho đơn vị mới cần xác định rõ hiện trạng kỹ thuật của 2 xe ô tô được điều chuyển, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị quản lý xe; trách nhiệm của người được giao quản lý xe đối với hiện trạng kỹ thuật của xe.
Người bị tố cáo bác bỏ
Phóng viên Tin Tức đã trao đổi trực tiếp với ông Đặng Hồng Nam để làm rõ những chi tiết mà ông Hải tố cáo. Ông Nam khẳng định những thông tin trong lá đơn tố cáo ông là không chính xác.
Lý giải việc Viện GĐYK không sử dụng mà để 3 chiếc xe ô tô “nằm” trong nhà để xe, ông Nam cho biết: “Thời gian đầu làm Viện trưởng, tôi thường xuyên đi công tác bằng xe ô tô của Viện chứ không phải ngừng sử dụng xe ngay lập tức như trong đơn của anh Hải nêu. Sau một thời gian, tôi nhận thấy một số vấn đề không hợp lý trong việc sử dụng xe công, gây lãng phí, thiếu minh bạch như: Xe cũ khiến chi phí sửa chữa, bảo dưỡng quá lớn, cách tính định mức xăng xe không đúng quy định của quy chế chi tiêu nội bộ mà vẫn tính theo kiểu ăn đong, tức là bất kể quãng đường gần hay xa cũng tính theo chuyến. Tôi đã yêu cầu Phòng Tài chính của Viện làm rõ, tách bạch định mức xăng của từng chiếc xe, đồng thời yêu cầu tổ xe thực hiện đúng theo định mức xăng dầu của quy chế chi tiêu nội bộ nhưng các yêu cầu của tôi đều không được thực hiện với nhiều lý do khác nhau”.
Ông Nam còn cho biết thêm, Viện GĐYK là cơ quan tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính thực hiện theo quy định của Nghị định 43/2006/NĐ-CP nên việc phải chi một số tiền quá lớn cho sửa chữa, bảo dưỡng và xăng xe là rất lãng phí. Theo số liệu ông Nam cung cấp, riêng tiền sửa chữa và tiền xăng của 3 chiếc xe trong 3 năm (từ 2008 – 2010) là khoảng 650 triệu đồng. Vì vậy, để tiết kiệm, ông Nam đã quyết định không sử dụng xe ô tô của Viện, đồng thời khẳng định không có ý định xin xe mới, tiến tới Viện không cần lái xe.
Không sử dụng xe sẵn có, vậy cán bộ Viện đi công tác bằng gì? Ông Nam giải thích, tuy Viện GĐYK có 3 xe ô tô, nhưng chỉ 1 xe 4 chỗ là xe công vụ, 2 xe còn lại là xe ô tô cứu thương, chỉ dùng để phục vụ công tác chuyên môn. Vì vậy, khi Viện cử đoàn công tác đông người phải thuê xe mới đáp ứng được điều kiện công việc. Ông Nam khẳng định: “Tiền thuê xe rẻ hơn nhiều so với số tiền chi cho việc sửa chữa, xăng dầu của mấy chiếc xe kia”.
Còn việc để 2 chiếc xe bị hư hỏng, xuống cấp, ông Nam cho biết, do 2 chiếc xe này không còn giá trị khấu hao từ nhiều năm nay nên việc sửa chữa, bảo dưỡng là lãng phí và không cần thiết. Ngoài ra, ông Nam cho rằng, dù xe không hoạt động, đáng lẽ tổ xe vẫn phải thường xuyên lau chùi, nổ máy, giữ gìn và bảo quản xe. Vì vậy, việc để 2 chiếc xe bị hư hỏng và xuống cấp, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người quản lý xe (tổ trưởng tổ xe – ông Phạm Văn Hải) và lái xe.
Việc điều chuyển 2 xe ô tô được ông Nam giải thích như sau: Theo Quyết định số 3247/QĐ-BYT ngày 7/9/2010 của Bộ Y tế về việc ban hành định mức xe ô tô cứu thương tại các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, Viện GĐYK chỉ được sử dụng 1 xe ô tô cứu thương. Ngày 13/4/2011, ông Nam gửi văn bản lên Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) báo cáo về số lượng xe cứu thương của Viện và đề nghị được giữ lại 1 xe cứu thương nhãn hiệu Mitsubishi. Ngày 5/5/2011, Vụ Kế hoạch tài chính đã có công văn số 2371/BYT-KHTC trả lời và thống nhất để Viện GĐYK giữ lại 1 xe cứu thương và điều chuyển 1 xe cứu thương cho đơn vị khác có nhu cầu sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế.
Căn cứ theo công văn trả lời của Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), ông Nam khẳng định đã thực hiện đúng theo quy định trong việc điều chuyển xe ô tô Toyota Landcruiser 31A-4058. Còn chiếc xe Toyota Camry 31A-1457 được điều chuyển cho Trung tâm GĐYK tỉnh Thái Bình theo Quyết định 1428/QĐ-BTC ngày 13/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cần làm rõ trách nhiệm
Ngày 8/7/2011, khi chúng tôi đến làm việc với Viện GĐYK, 2 chiếc xe trên vẫn yên vị trong nhà xe và đã bị niêm phong từ ngày 4/7/2011 chờ điều chuyển cho đơn vị mới. Với những thông tin thu thập được, có thể khẳng định việc lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở Viện GĐYK là có thật.
Trong vụ việc này, đương nhiên Viện trưởng chịu trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị quản lý và trong thẩm quyền của mình, Viện trưởng cần có biện pháp xử lý, thậm chí kỷ luật cán bộ, nhân viên cấp dưới nếu để xảy ra lãng phí, hư hỏng tài sản nhà nước. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm cá nhân, khắc phục việc để tài sản nhà nước đang bị lãng phí, xuống cấp.
Trang An