Bị cáo Châu Thị Thu Nga trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Châu Thị Thu Nga mức án tù chung thân, bị cáo Lê Hồng Cương mức án từ 7 - 8 năm tù, Nguyễn Trường Sơn từ 7 - 8 năm tù, Nguyễn Vũ Hùng 36 - 42 tháng tù, Phan Thanh Tuyên 30 - 36 tháng tù, Nguyễn Thị Tình 8 - 9 năm tù, Lưu Thị Thúy 4 - 5 năm tù, Phạm Thị Thu Hạnh 4 - 5 năm tù, Đinh Phúc Tiếu 36 - 42 tháng tù, Đoàn Thanh Thủy 3 - 4 năm tù về cùng tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.
Viện Kiểm sát cũng đề nghị Tòa không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.
Ngoài án phạt tù, Viện Kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo Châu Thị Thu Nga phải bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt là trên 348 tỷ đồng (được trừ số tiền cơ quan điều tra đã thu giữ trên 2,1 tỷ đồng); đồng thời đề nghị tiếp tục kê biên số tài sản của Công ty Housing Group và của vợ chồng Châu Thị Thu Nga mà cơ quan cảnh sát điều tra đã kê biên để đảm bảo thi hành án.
Bản luận tội của Viện Kiểm sát xác định: Trong vụ án này, bị cáo Châu Thị Thu Nga là người chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện tội phạm và là người sử dụng, hưởng lợi toàn bộ số tiền chiếm đoạt được là trên 348 tỷ đồng. Vì vậy, áp dụng hình phạt thật nghiêm khắc đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga mới có tác dụng răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.
Các bị cáo còn lại đều thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, họ là đồng phạm giúp sức tích cực cho Châu Thị Thu Nga thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án có tính chất phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả gây ra lớn với số tiền chiếm đoạt là trên 348 tỷ đồng. Các bị cáo cùng với Châu Thị Thu Nga đã sử dụng số tiền thu được của khách hàng góp vốn mua căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn vào các mục đích trái pháp luật như để chạy dự án; chi mua ô tô, chi cho các dự án khác, chi tiêu cá nhân… gây bức xúc trong quần chúng nhân dân và dư luận xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án (trừ bị cáo Nga) đều là người làm công ăn lương không được hưởng lợi từ số tiền chiếm đoạt (trừ bị cáo Tình). Các bị cáo này đều phạm tội lần đầu, có thái độ khai báo thành khẩn… nên Viện Kiểm sát coi đây là tình tiết để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo khi lượng hình.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trước Tòa đã viện dẫn: Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Nhà ở năm 2005: “Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua nhà ở, thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã được xây dựng xong phần móng”.
Mặc dù biết theo quy định nêu trên, Dự án B5 Cầu Diễn chưa được giao cho Liên danh Công ty Housing Group và Công ty HAIC là chủ đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, Công ty Housing Group chưa được phép huy động vốn từ tiền ứng trước của khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn, nhưng để chiếm đoạt tiền của khách hàng, Châu Thị Thu Nga đã chỉ đạo và cùng các đồng phạm là: Nguyễn Trường Sơn, Lê Hồng Cương, Nguyễn Vũ Hùng, Phan Thanh Tuyên (nguyên Phó Tổng Giám đốc); Nguyễn Thị Tình, Lưu Thị Thúy (nguyên Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản); Phạm Thị Thu Hạnh, Đinh Phúc Tiếu (nguyên Kế toán trưởng) và Đoàn Thanh Thủy (nguyên quyền Kế toán trưởng Công ty Housing Group), thực hiện các hành vi để chiếm đoạt tài sản (là tiền ứng trước) của khách hàng có nhu cầu mua nhà ở.
Viện Kiểm sát nhận định: Châu Thị Thu Nga đã tổ chức và chủ trì nhiều cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của Công ty Housing Group gồm có: Các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản và lãnh đạo các phòng, ban của Công ty Housing Group để phân công cho các cá nhân, bộ phận nghiệp vụ trong Công ty Housing Group triển khai thực hiện việc huy động và sử dụng vốn vay của khách hàng thông qua 5 loại hợp đồng: Hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, thỏa thuận vay vốn, thỏa thuận góp vốn và hợp đồng hợp tác đầu tư.