Luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục tham gia đối đáp với Viện kiểm sát và đưa ra nhiều luận cứ nhằm gỡ tội cho thân chủ. Trong đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) cho rằng bị cáo Sơn không đại diện cho phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí (PVN) tại OceanBank.
Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank Hội đồng xét xử tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
Trong phần luận tội bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Viện kiểm sát đã xác định Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank. Là một cán bộ của PVN, trong quá trình được cử sang OceanBank đại diện cho phần vốn góp của PVN, giữ chức Tổng Giám đốc OceanBank và sau khi được chuyển về giữ chức Phó Tổng Giám đốc PVN, dù trực tiếp hay gián tiếp, bị cáo luôn là người có trách nhiệm quản lý nguồn vốn góp của PVN tại OceanBank.
Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cũng như vị thế, ảnh hưởng lớn của PVN với tư cách là cổ đông chiến lược của OceanBank để chi phối, yêu sách, áp đặt và chỉ đạo bị cáo Hà Văn Thắm thực hiện việc thu phí, chi lãi suất ngoài trái pháp luật nhằm mục đích trục lợi, qua đó bị cáo đã nhận và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, sử dụng số tiền chiếm đoạt được vào mục đích cá nhân và chia chác 1 phần cho các mối quan hệ thân hữu.
Đối đáp lại quan điểm này, các luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn đều cho rằng bị cáo Sơn không phải là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank.
Luật sư Minh Phương đã đưa ra một số căn cứ để chứng minh như: Hội đồng quản trị Tập đoàn PVN có quyền quyết định bổ nhiệm/giới thiệu để bầu cán bộ làm người đại diện của Tập đoàn vào các chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên Ban Kiểm soát tại các Công ty cổ phần. Tuy nhiên công văn của PVN giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn lại là ứng cử chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank. Như vậy công văn này đã sai thẩm quyền, nên không có giá trị pháp lý.
Ngoài ra, khi giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện cho phần góp vốn của PVN tại OceanBank, PVN có đề nghị OceanBank tiến hành các thủ tục liên quan theo quy định.
Luật sư Minh Phương bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
Theo luật sư Minh Phương, thủ tục này sẽ gồm: Hội đồng cổ đông của OceanBank họp đồng ý bầu cán bộ được giới thiệu vào chức vụ trên và gửi công văn phản hồi lại với PVN về việc đồng ý với sự giới thiệu của Tập đoàn.
Căn cứ vào sự phản hồi chấp thuận của OceanBank, lúc đó PVN mới ra quyết định chính thức cử người làm đại diện tại OceanBank. Tuy nhiên, theo luật sư Minh Phương, phía OceanBank không có công văn phản hồi và việc này cũng đã được Hà Văn Thắm xác nhận.
Về nội dung này, Viện kiểm sát cho rằng: có đủ cơ sở để xác định bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank. Ngay tại phiên tòa, chính người đại diện của PVN cũng đã khẳng định điều này.
Thêm vào đó, trong công văn của OceanBank ngày 13/5/2009 gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn PVN về việc báo cáo kết quả Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2008 và một số kiến nghị cũng đã khẳng định nội dung đó. Văn bản này do chính Nguyễn Xuân Sơn ký với tư cách là Tổng Giám đốc OceanBank.
Trong công văn đã nêu rõ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên OceanBank năm 2008 tổ chức ngày 28/4/2009 đã thống nhất bầu thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ IV, trong danh sách thành viên Hội đồng quản trị này có ông Nguyễn Ngọc Sự (Phó Tổng Giám đốc PVN, đại diện của PVN), Nguyễn Xuân Sơn (Tổng Giám đốc OceanBank, đại diện của PVN).
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
Ngoài ra, cũng trong công văn này còn nêu rõ việc giữa PVN và OceanBank đã có thỏa thuận về việc bổ sung đại diện của Tập đoàn vào nhân sự quản trị, điều hành, kiểm soát của OceanBank.
Cụ thể, bổ sung ông Nguyễn Ngọc Sự và Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên Hội đồng quản trị OceanBank, trong đó ông Nguyễn Ngọc Sự được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Xuân Sơn là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc OceanBank.
Luật sư băn khoăn về những trách nhiệm liên đới Cùng tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Minh Tâm đưa ra luận điểm bào chữa: Năm 2011-2014, Sơn không còn ở OceanBank nhưng để quy buộc chủ thể phạm tội, đại diện Viện kiểm sát lại cho rằng: “trước đó Sơn đã bàn bạc trao đổi chi lãi ngoài. Bởi vậy, do không còn ở ngân hàng nhưng Sơn vẫn phải chịu trách nhiệm”. Luật sư cho rằng phần đối đáp như vậy chưa thỏa đáng.
Bên cạnh đó, luật sư Tâm bày tỏ sự băn khoăn khi công tố chưa nói rõ vấn đề mà nhóm luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn đưa ra là việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhập vụ án liên quan đến số tiền mà bị cáo Sơn khai đưa Ninh Văn Quỳnh, Vietsovpetro, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn… vì số tiền phát sinh này không thể tách rời những người liên quan đến hành vi của Nguyễn Xuân Sơn. Việc quy buộc Sơn trong vụ án này vô hình chung đã giải thoát cho những đối tượng nhận tiền của Nguyễn Xuân Sơn.
Nếu quá trình điều tra 3 vụ án về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” vừa mới khởi tố tại Vietsovpetro, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí là đúng sự thật trong khi Sơn bị xét xử tuyên án tử hình thì giải quyết hậu quả của sai lầm này thế nào? Luật sư Tâm nhấm mạnh: “Đây là điều chúng tôi băn khoăn trăn trở”.
Tiếp đó, luật sư Tâm phân tích về sự khác nhau giữa hành vi của Sơn với các đối tượng khác theo yêu cầu chi lãi ngoài của Hà Văn Thắm. Theo lời khai của bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) là Sơn không chiếm đoạt tiền chi lãi ngoài, và Thắm có khả năng kiểm soát Nguyễn Xuân Sơn. Như vậy, luật sư đặt câu hỏi: Công tố viên đánh giá lời khai đó như thế nào? Đồng thời, đề nghị được làm rõ liên quan đến số tiền 69 tỷ đồng thì số tiền này là của ai: Công ty BSC, của khách hàng hay của OceanBank?
Luật sư Nguyễn Danh Tín bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
So sánh với hành vi của các bị cáo khác trong vụ án, luật sư Nguyễn Danh Tín (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) đưa ra quan điểm: Số tiền 246 tỷ đồng Hà Văn Thắm đưa cho Sơn để chi lãi ngoài cùng mục đích, cùng động cơ nhưng lại bị truy cứu tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Luật sư mong muốn đại diện Viện kiểm sát cùng tham gia tranh luận vấn đề này.
Chiều 23/9, tiếp tục phần tranh tụng tại phiên tòa.